HTX nông nghiệp Ái Nghĩa có 1.581 hộ thành viên sản xuất nông nghiệp sử dụng dịch vụ của HTX. HTX quản lý 452 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 332 ha đất lúa và 120 ha đất trồng hoa màu.
Đổi mới tư duy sản xuất
![]() |
Mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai thế hệ F1 theo chuỗi giá trị của HTX nông nghiệp Ái Nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Tư liệu) |
Thành lập năm 1978, trải qua hơn 40 năm hình thành và tổ chức hoạt động, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa vẫn duy trì tốt các hoạt động của mình và từng ngày có sự chuyển biến, đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và người lao động trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Sau khi Luật HTX năm 2012 vừa có hiệu lực, ban lãnh đạo HTX đã quyết định đổi mới phương thức sản xuất như: sản xuất hạt giống lúa lai F1, dịch vụ thủy lợi, làm đất, thu hoạch, bảo vệ thực vật, mua bán vật tư nông nghiệp, sấy nông sản, sản xuất chế biến gạo an toàn, bánh tráng, dịch vụ vận tải, giết mổ gia súc tập trung… Nhờ năng động, đổi mới trong đầu tư, sản xuất kinh doanh và nỗ lực liên kết, tìm kiếm thị trường, những năm qua, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đã tiếp tục gặt hái được những thành tựu nổi bật trong sản xuất, kinh doanh.
Trong thời điểm chưa có HTX nông nghiệp nào trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện sản xuất gắn với chế biến sâu, đặc biệt là nhóm sản xuất lúa gạo, HTX đã mạnh dạn chuyển sang liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống, đầu tư sản xuất 50ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng chế biến gạo và các sản phẩm từ gạo. Đây chính là bước đi tiên phong của HTX.
HTX đã phối hợp với Viện Giống cây trồng Trung ương nghiên cứu loại giống lúa F1 có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cho năng suất cao. Năm 2014, HTX đã đầu tư máy gặt đập liên hợp, công nghệ tiên tiến của Nhật với công suất 5 ha/ ngày, đưa vào triển khai dịch vụ thu hoạch cho thành viên. Mỗi mùa vụ, HTX thu hoạch khoảng 40 ha diện tích lúa. Đầu tư xe tải vận chuyển và 5 lò sấy với công suất 14 tấn/ mẻ sấy. Lúa sau thu hoạch được sấy bằng điện, đảm bảo tỷ lệ khô của lúa đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa giống và không phụ thuộc vào thời tiết thất thường. Đầu tư hệ thống máy xay xát hai tầng, gồm máy bóc, làm sạch và máy sàng lọc sạn để chế biến gạo cung ứng ra thị trường. Năm 2018, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ đầu tư máy cấy lúa Kobuta Nhật Bản thực hiện cấy lúa trên diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Về cơ bản HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đã đầu tư đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất và chế biến sản phẩm.
Ông Trương Cảm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Đổi mới tư duy sản xuất đòi hỏi phải đấu tranh, bởi lúc đấy HTX chưa có máy móc thiết bị, chưa có công nghệ sản xuất, cũng chưa tính được lỗ lãi. Tuy nhiên, nếu không đổi mới thì không thể tồn tại được. Chúng tôi mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào giống lúa mới, thực hành sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư máy xay xát, bao bì đóng gói sản phẩm gạo an toàn, sản xuất bánh tráng nhúng Đại Lộc, một món ăn nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam”.
Liên kết sản xuất gạo an toàn
Nhờ chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động của đơn vị khá hiệu quả, nhờ đó bà con khi tham gia mô hình HTX có nhiều thuận lợi.
![]() |
"Gạo an toàn Ái Nghĩa" đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (Ảnh: Tư liệu) |
Vụ hè thu 2019, HTX liên kết với 100 hộ dân trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa và xã Đại Tân (Đại Lộc) tổ chức sản xuất 20ha lúa thương phẩm TBR225 theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, HTX chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ lượng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào và đến cuối vụ mới thu tiền.
Nhằm tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng tốt và đảm bảo an toàn, HTX phối hợp với những đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và cắt cử đội ngũ cán bộ hướng dẫn nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Bên cạnh việc sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ thì trong quá trình sinh trưởng – phát triển của cây lúa, nếu phát hiện dịch bệnh gây hại sẽ dùng những loại thuốc sinh học để phòng trừ, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu độc hại...
Kết quả vụ hè thu 2019, hầu hết ruộng lúa hữu cơ của HTX liên kết với nông dân sản xuất đều cho năng suất cao, bình quân 1ha đạt 70 tạ. Sau khi thu hoạch, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm của nhà nông với mức giá bình quân 8 nghìn đồng/kg, cao hơn 2 nghìn đồng/kg so với giá thị trường.
Ông Trương Cảm cho biết: “Hiện nay, bình quân mỗi vụ, đơn vị liên kết với bà con nông dân trên địa bàn sản xuất từ 150-200ha lúa lai F1 và 50ha giống lúa thuần. Ngoài ra, còn sản xuất 20ha lúa an toàn. Khi tham gia sản xuất, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ giống, HTX bán phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá ổn định. Nhờ thế, bà con rất phấn khởi và có lợi nhuận cao từ 2,5-3 lần so với làm lúa thương phẩm…”.
“Gạo an toàn Ái Nghĩa” của HTX nông nghiệp Ái Nghĩa hiện được bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini trên toàn quốc, siêu thị BigC Đà Nẵng, TP.HCM, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng do chất lượng gạo tốt, bao bì mẫu mã sản phẩm đáp ứng được thị hiếu khách hàng.
Ngay sau khi bánh tráng Đại Lộc được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2018, đơn vị tiếp tục bắt tay vào việc xây dựng "Gạo an toàn Ái Nghĩa" trở thành sản phẩm OCOP. Qua nhiều vòng đánh giá và bình xét từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cuối năm 2019, "Gạo an toàn Ái Nghĩa" đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ngọc Giang