Nhiều HTX khởi sự kinh doanh đều tập trung vốn, sức lực vào vấn đề làm sao cho HTX tồn tại sau đó mới nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu. Nhưng cũng có HTX đã quan tâm đến đăng ký thương hiệu nhưng vẫn chưa thể yên tâm sản xuất kinh doanh.
Tốn thời gian, vướng quy định
Ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Quảng Nam) cho biết việc đăng ký nhãn hiệu tốn nhiều thời gian. Đây là một trong những khó khăn khiến không ít HTX ngại đăng ký sở hữu trí tuệ. “HTX đã đăng ký thương hiệu hơn 3 năm nay mà hiện vẫn chưa được công nhận nên nhiều thành viên có phần nản lòng”, ông Sanh cho biết.
Các thành viên HTX nông nghiệp và dịch vụ Xuân Quỳnh (Quảng Ngãi) cũng đang thực hiện đăng ký thương hiệu “Chanh thơm Xuân Quỳnh” dưới dạng nhãn hiệu tập thể. Nhưng điều HTX đang vấp phải đó là các ngành chức năng đưa ra lý do là tên đăng ký thương hiệu của HTX đang thiếu yếu tố địa danh nên việc xây dựng thương hiệu bị đứt quãng giữa chừng.
Có thể thấy, rất nhiều nguyên nhân cản trở hoặc làm các HTX e ngại trong đăng ký thương hiệu. Theo GS.TS Đoàn Đức Lương Trường Đại học Luật, Đại học Huế, một trong những thực tế hiện nay là thiếu các chủ thể đăng ký thương hiệu (đứng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ) là các HTX.
Đăng ký thương hiệu giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. |
Trên thực tế tại địa phương có nhiều nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký nhưng chưa được khai thác do các chủ đơn này lại thuộc về Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, UBND, Trường học, sở khoa học…
Điều này có một vấn đề đặt ra đó là sau khi các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ, các chủ đơn thuộc Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, UBND… vẫn chưa biết cách sử dụng, khai thác hiệu quả mà lại bàn giao cho những cá nhân, đơn vị khác khai thác vì địa phương thiếu các HTX, đặc biệt là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Còn những địa phương có HTX rồi thì lại vướng vào một số vấn đề trong đặt tên thương hiệu, hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu không được chấp nhận do nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (trùng nhãn hiệu bảo hộ do nộp sau)…
Muốn bán trên sàn thương mại, cần có thương hiệu
Tuy nhiên, dù bị cản trở bởi những nguyên nhân gì thì cả các HTX và các chuyên gia đều cho rằng việc đăng ký thương hiệu là cần thiết. Nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, hàng giả, hàng nhái lộng hành như hiện nay.
Bà Đặng Thị Luận, Giám đốc HTX Thu mua chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Hà Tĩnh) cho biết rất nhiều đơn vị sản xuất nước mắm cùng sản xuất hiện nay nên chỉ có đăng ký thương hiệu riêng mới giúp sản phẩm của HTX tăng khả năng tiêu thụ và nhận diện trên thị trường.
Ông Hoàng Vinh, chuyên gia sáng tạo và thương hiệu, cho biết các sàn thương mại điện tử hiện đều xoay quanh một cái gọi là thương hiệu. Họ luôn ưu tiên những đơn vị, HTX có logo, có thương hiệu, làm sản phẩm một cách bài bản, rõ ràng. Nếu HTX không có thương hiệu, không có sản phẩm uy tín thì các sàn thương mại điện tử sẽ mất công xử lý những khủng khủng hoảng từ trước đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử luôn ưu tiên những đơn vị có đăng ký kinh doanh, có thương hiệu vì điều này giúp các sàn thương mại nắm được đằng chuôi. Vì HTX, doanh nghiệp đã có thương hiệu thì việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ dễ hơn và giúp các sàn đẩy hàng đi dễ hơn. Một khi đã bán nhiều hàng hơn, các sàn sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Tuy nhiên theo ông Hoàng Vinh, các HTX cũng cần hiểu rằng, khi sàn thương mại điện tử bán được nhiều hàng thì các sàn sẽ càng siết chặt quy định, yêu cầu của đơn vị sản xuất. Chính vì vậy, những HTX không có thương hiệu hay những HTX sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” thì chắc chắn sẽ bị các sàn thương mại loại ra dần.
Có thể thấy, các sàn thương mại đang tập trung vào mặt thương hiệu, về mặt uy tín của đơn vị sản xuất. Chính vì vậy, việc đầu tiên HTX muốn bán hàng thuận lợi, lâu dài trên các sàn thương mại điện tử là phải đăng ký thương hiệu. Trong đó, tập trung vào logo, bộ diện thương hiệu và đi đăng ký bản quyền.
Hiện nay, phần lớn các HTX đều rất chủ quan với vấn đề đăng ký bản quyền vì nghĩ rằng mình là đơn vị kinh doanh có uy tín trong một thời gian dài nên không cần phải đăng ký bản quyền. Đây chính là lý do vì sao mà khá nhiều HTX, doanh nghiệp đang đi xử lý các khâu liên quan đến vấn đề bị mất thương hiệu.
Báo cáo của các địa phương về sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2023, cả nước đã có có 3.049 vụ xâm phạm quyền đã được xử lý (chủ yếu là đối với nhãn hiệu) và hơn 340.000 sản phẩm bị xử lý, tăng 213% về số vụ vi phạm.
Theo các chuyên gia, chỉ cần đăng ký chậm hơn một ngày thì vẫn có khả năng HTX không thể đăng ký được bản quyền vì vướng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Nhưng đối với đơn vị đã đăng ký trước HTX thì sau 10 năm, họ có vẫn có thể tiếp tục gia hạn, ngay cả khi đơn vị này không hoạt động thì HTX vẫn không thể lấy được tên thương hiệu mà họ đã đăng ký.
Lời khuyên được các chuyên gia đưa ra là nếu HTX ngay từ đầu đã có kinh nghiệm và đã xác định xây dựng thương hiệu là một vấn đề nghiêm túc thì HTX nên đăng ký thương hiệu ngay khi có sản phẩm. Tránh tâm lý lo ngại vì thiếu kinh phí, khó về hồ sơ nên từ từ mới đăng ký. Điều này sẽ khiến HTX gặp tình trạng trùng tên thương hiệu, phải đổi thương hiệu…
Tuy nhiên một điều mà nhiều HTX gặp phải đó chính là hiện nay không có quy định riêng, quy trình riêng cho đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm nông sản OCOP mà thực hiện theo quy định chung của pháp luật sở hữu trí tuệ. Điều này khiến các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các quy định pháp luật, hoàn hiện hồ sơ. Chính vì vậy, việc hỗ trợ HTX tiếp cận các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cần được triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, cần có những thống kê, đánh giá cụ thể những khó khăn trong đăng ký thương hiệu tại khu vực KTTT để có những cách tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời cho các HTX.
Huyền Trang