Qua tìm hiểu, giống lợn đen Lũng Pù có khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt, ăn tạp và có sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm, ngon hơn so với các giống lợn đen khác. Tuy nhiên, số lượng đàn lợn đen Lũng Pù thuần chủng đang đối mặt với nguy cơ thoái hóa nhanh do bị lai tạp, công tác nuôi dưỡng và chăm sóc kém dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Trang trại an toàn
Trước thực tế đó, các thành viên HTX Tuấn Dũng đã quyết định áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi nhằm bảo tồn, khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng giống lợn đen Lũng Pù. Theo ban giám đốc, khi nuôi tốt, có đầu ra thuận lợi, HTX sẽ bảo đảm được chất lượng nguồn giống cung cấp cho người dân trong và ngoài huyện.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường và thay đổi cách nuôi gia súc chăn thả, HTX đã áp dụng quy trình nuôi lợn an toàn sinh học. Toàn bộ giống lợn được nhập từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để bảo đảm chất lượng đầu vào khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch.
100% các hộ thành viên thực hiện xây dựng chuồng trại đúng với các quy định. Chuồng nuôi phải có các khu riêng biệt như: Khu chăn nuôi, khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi, khu tắm rửa, khử trùng, khu thay quần áo cho người lao động, khu tập kết và xử lý rác thải, khu cách ly lợn ốm, khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm…
Quy trình sản xuất lợn an toàn sinh học có sự giám sát của các ngành chức năng. |
Thức ăn cho lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và khẩu phần ăn theo giai đoạn sinh trưởng. Đặc biệt, thành viên không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn bị dịch cho đàn lợn mới.
Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, cho biết thức ăn hỗn hợp được phân theo 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 hậu bị, giai đoạn 2 là lợn mang thai và giai đoạn 3 là cám hỗn hợp cho lợn mẹ nuôi con. Trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh, thành viên phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn.
Nhằm giúp đàn lợn sinh trưởng toàn diện, các phương tiện vận chuyển vào trang trại của HTX đều phải đi qua nơi khử trùng và được phun thuốc sát trùng. HTX cũng thực hiện phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/lần. Sau mỗi đợt xuất bán, thành viên làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa đàn lợn mới đến.
Đồng hành cùng thành viên
Áp dụng quy trình nuôi lợn an toàn sinh học là biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, hạn chế lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện trong tự nhiên hoặc do con người tạo ra mà có thể gây hại cho con người, đàn lợn và hệ sinh thái. Với những quy định rõ ràng, HTX Tuấn Dũng có thể kiểm soát nguồn gốc giống, thức ăn, đảm bảo môi trường xung quanh trong suốt quá trình sản xuất. Nhờ vậy, HTX không chỉ tạo ra được giống lợn đen Lũng Pù thuần chủng mà còn tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
“Nuôi lợn theo phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật vừa đảm bảo môi trường, vừa giảm bớt tập quán chăn thả rông của người dân địa phương. Các thành viên tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải được thu gom và xử lý theo quy trình nên người dân có thêm nguồn phân bón cho cây trồng”, anh Thèn Văn Hải cho biết.
Ngành chức năng đến thăm khu vực nuôi lợn của một hộ thành viên trong HTX Tuấn Dũng. |
Bên cạnh đó, khi chung tay hợp tác theo mô hình kinh tế tập thể, thành viên sẽ có hợp đồng hỗ trợ bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ kỹ thuật miễn phí tại nhà, được tạo điều kiện đi thực tế nhưng điều bắt buộc là hộ tham gia phải đảm bảo các yêu cầu về khoa học công nghệ. Đây là nền tảng rất quan trọng, tạo sự khác biệt để đưa HTX phát triển bền vững.
Với quy mô duy trì thường xuyên 100 lợn nái sinh sản, hàng năm, ngoài sản phẩm lợn thịt thương phẩm, HTX còn cung ứng cho thị trường trung bình 1.500 lợn giống chất lượng tốt.
Tuy nhiên, theo ban giám đốc HTX, số lượng lợn đen Lũng Pù làm giống này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Do đó, HTX đang mở rộng sản xuất bằng việc thực hiện liên kết với nhiều hộ chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù này tại một số xã trên địa bàn huyện để tổ chức sản xuất cung ứng lợn giống.
Hiện, tổng doanh thu hằng năm của HTX đạt trên 7,6 tỷ đồng. Riêng hoạt động chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2021, HTX sẽ đưa sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù, tham gia chương trình OCOP nhằm khẳng định chất lượng và tạo thế mạnh thu hút các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Huyền Trang