Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chương trình chính sách về giảm nghèo như Chương trình 135, Chương trình 30a, bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sốp Cộp trung bình giảm mỗi năm từ 4 đến 5%, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 24,65%.
Địa phương nhạy bén
Bằng các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, huyện Sốp Cộp đã đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ về cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình 30a, giai đoạn 2016-2020, đã đầu tư gần 227 tỷ đồng xây dựng 7 công trình giao thông, 6 công trình thủy lợi, 7 công trình nước sinh hoạt, 28 nhà văn hóa, 7 công trình trường, lớp học và 1 bệnh viện.
Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 có tổng vốn ngân sách đầu tư gần 42 tỷ đồng, huyện đã khởi công làm mới 5 công trình giao thông, 7 thủy lợi, 2 công trình điện, 4 nhà văn hóa, 3 công trình giáo dục, 2 công trình nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 50 công trình.
Bằng nhiều nguồn lực đầu tư, hiện 100% số xã đã có đường giao thông đến trung tâm xã, 75% bản có đường giao thông đến bản được cứng hóa, 86% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các xã được đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố đảm bảo.
Ông Quàng Văn Pọm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sốp Cộp cho biết, các chính sách hỗ trợ đối với bà con các dân tộc thiểu số đã được triển khai kịp thời, đồng bộ, khuyến khích các hộ dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
![]() |
Từ sự nhạy bén của lãnh đạo và thay đổi nhận thức của người dân, đã biến đồi núi cằn khô thành những vườn cây ăn trái có giá trị cao. |
Điều quan trọng là công tác vận động tuyên truyền của huyện, của xã đến với đồng bào dân tộc thiết thực, dễ hiểu, dễ làm. Đồng thời chính quyền địa phương đã có những nghiên cứu để phát huy lợi thế của địa phương, phân tầng trong việc trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, chất đất của từng bản, từng xã.
Chính sự nhạy bén của lãnh đạo huyện, xã và sự thay đổi trong tư duy chăn nuôi sản xuất của đồng bào đã hình thành nên những mô hình trồng cam ở xã Mường Và; sa nhân ở Nậm Lạnh; chanh leo ở Dồm Cang; mô hình chăn nuôi bò, ngựa sinh sản ở xã Sam Kha, Mường Lèo...
Cùng với đó, huyện còn tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giúp bà con ứng dụng vào sản xuất, từng bước tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Nâng cao trình độ tay nghề
Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản lượng lương thực có hạt năm 2020 của huyện đạt 21.600 tấn năm. Hiện, tổng đàn gia súc có trên 51.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 254 ha, 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đang tập trung phấn đấu hoàn thành Chương trình 135 đối với 1 xã và 12 bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo cho nông dân về những kiến thức nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%/năm.
![]() |
Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn huyện Sốp Cộp thay đổi, đường làng, ngõ xóm đều được trải bê tông thẳng tắp. |
Mới đây, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra về đề xuất chủ trương đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, xóa đói giảm nghèo quan trọng nhất là "giúp người nghèo cần câu chứ cho con cá thì người ta ăn một vài ngày là hết rồi".
Còn đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói, thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó hơn. Theo quan điểm cá nhân bà, để thoát nghèo bền vững, bên cạnh tuyên truyền để người nghèo thay đổi nhận thức quyết tâm vươn lên thì điều quan trọng là phải nâng cao trình độ, tay nghề.
Đưa ra giải pháp, bà Lan cho rằng, cần phải có chiến lược và chương trình về giáo dục vì không học thì không thể có tay nghề. “Nếu chỉ hỗ trợ thì hết tiền hết sức lực, hết sức lực thì hết tiền, như thế thì không bền vững được”, bà Lan nhấn mạnh.
Rõ ràng, những việc mà UBND huyện Sốp Cộp triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang khẳng định sự hiệu quả, cũng như đúng với kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội. Bởi, những người đứng đầu địa phương này luôn tâm niệm, không chỉ hỗ trợ về giống, về vốn, điều cần nhất là hỗ trợ nâng cao tay nghề cho đồng bào, chỉ có như vậy mới có thể ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, kinh tế ngày càng phát triển bền vững, toàn diện.
Phạm Minh