Việc cập nhật kiến thức về khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh còn chậm và thiếu đồng bộ, công tác quản lý, quản trị của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, kinh phí đầu tư cho sản xuất, mua sắm máy móc, nhà xưởng, kho bảo quản gặp khó khăn là những yếu tố khiến cho các HTX, nhất là các HTX trong vùng dân tộc thiểu số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Thay đổi tư duy sản xuất
Anh Vũ Quang Linh, Giám đốc HTX sản xuất và bao tiêu sản phẩm mỳ chũ Nam Dương Linh Dư (HTX Nam Dương Linh Dư) ở thôn Bồng 2, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn cho biết, xã Thanh Hải là địa phương có đến 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 4 dân tộc thiểu số là dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí.
Trước đây, vốn sản xuất theo lối canh tác truyền thống, những ngày nhàn rỗi, nhiều người dân thường vào rừng săn bắt, hái lượm. Cũng chính bởi trình độ hạn chế, lối sản xuất truyền thống thủ công, ít áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất thấp, thu nhập hạn chế, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm mì gạo của HTX Nam Dương Linh Dư dù sản xuất theo tiêu chuẩn sạch nhưng cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ vì dịch Covid-19. |
Nhận thấy việc sản xuất theo lối truyền thống manh mún của người dân có hiệu quả thấp, năm 2016 anh Linh đã vận động được 9 thành viên, trong đó có hơn một nửa là người dân tộc thiểu số tham gia thành lập HTX Nam Dương Linh Dư với lĩnh vực hoạt động là chuyên sản xuất, tiêu thụ mì gạo.
“Mục tiêu của việc thành lập HTX là để tạo việc làm, khai thác thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống manh mún về sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm cho người dân địa phương”, anh Linh nói.
Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX đã chủ động tìm kiếm đầu mối cung cấp sản phẩm là gạo và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm đầu ra là mì. Có sản phẩm đầu vào và thị trường tiêu thụ là các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị, thu mua lúa của người dân trong vùng để sản xuất.
Sau hơn 5 tháng sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, sản phẩm mỳ gạo của HTX cũng dần được người tiêu dùng chấp nhận, sản lượng từng bước được nâng lên. Do duy trì được các mối cung cấp và tiêu thụ, trong các năm từ 2017-2019, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất được khoảng 30 tấn mỳ, tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với thu nhập từ 4-5 triệu/người/tháng, trong đó có 5 lao động là người dân tộc thiểu số.
Ngoài thu mua lúa gạo, HTX còn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất lúa theo phương pháp khoa học để nâng cao sản lượng, đảm bảo an toàn và chất lượng. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của người dân địa phương từng bước được thay đổi, thu nhập ngày một ổn định.
Khó chồng khó
Có thể nói, những năm trước, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX Nam Dương Linh Dư khá ổn định, nhưng từ giữa năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ của HTX giảm hơn 50%, kéo theo đó là người lao động cũng buộc phải giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập.
Giám đốc HTX Vũ Quang Linh cho biết: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX sụt giảm nghiêm trọng. HTX và thành viên cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm phải ngừng hoạt động vì hàng hóa không tiêu thụ được”.
Không chỉ có HTX Nam Dương Linh Dư, mà hầu hết các HTX khác trong vùng đồng bào dân tộc nói riêng, HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với những HTX mới thành lập.
Có thể kể đến một HTX khác mới thành lập đầu năm 2021, hiện đang điêu đứng vì dịch bệnh là HTX chăn nuôi vùng cao, thôn Xé Mòng, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang do anh Hoàng Văn Hầu làm Giám đốc.
HTX chăn nuôi vùng cao gặp khó khăn bởi hạn chế về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và nhất là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Sa Lý là xã vùng cao có hơn 700 hộ, hơn 3.000 khẩu sinh sống ở 5 thôn bản với 99% là đồng bào dân tộc Sán Chí, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 23%, giảm hơn 15% so với năm 2018.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm nhưng không bền vững vì thu nhập không ổn định và nguy cơ tái nghèo rất cao bởi kinh tế phát triển không mang tính bền vững, người dân chưa có việc làm và thu nhập thực sự ổn định, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Là người dân tộc Sán Chí, khi còn công tác trong xã, anh Hầu nuôi ý tưởng sẽ thành lập HTX để ổn định sản xuất, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, anh Hầu đã đứng ra vận động 19 hộ dân tham gia thành lập HTX chăn nuôi vùng cao để nuôi dê, bò ngựa bạch và nuôi trâu.
HTX mới thành lập vốn đã khó khăn về khoa học kỹ thuật, về kinh phí hoạt động, kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống. Nay dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh càng làm cho HTX trở nên khó khăn hơn.
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mua con giống, làm chuồng trại, trồng cỏ và tập huấn khoa học kỹ thuật. Chỉ có như vậy mới giúp HTX phát triển ổn định, từng bước hỗ trợ cho thành viên và người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững”, anh Hầu mong muốn.
Phạm Duy
Bài 2: Chuyển hướng sản xuất, kinh doanh