Việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tương đối thuận lợi. |
Dự kiến từ ngày 10/6, Bắc Giang sẽ bước vào chính vụ thu hoạch vải thiều với khối lượng cần tiêu thụ ra khỏi tỉnh mỗi ngày khoảng 10.000 - 20.000 tấn. Địa phương đã sẵn sàng mọi yếu tố cho việc thu hoạch rộ này, tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70% và xuất khẩu 30%.
Được mùa nhưng không mất giá
Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX vải thiều Cầu Đền (thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) cho biết, HTX hiện có 13 hộ thành viên, với 50ha vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP, quy trình chăm bón theo đúng quy trình, sắp thu hoạch. Dự kiến, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn của HTX khoảng 400 tấn.
“Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký mua vải thiều. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên chất lượng vải thiều của HTX vải thiều Cầu Đền cao nhất từ trước đến nay, lại có doanh nghiệp đăng ký bao tiêu nên bà con nông dân rất yên tâm về đầu ra dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp”, ông Liên thông tin thêm.
Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn diễn ra ngày 8/6 tại Bắc Giang, nhiều địa phương và doanh nghiệp cam kết với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ thu vải thiều để hỗ trợ nông sản địa phương.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty VinCommerce cho biết, ngay từ khi vải thiều Lục Ngạn chuẩn bị bước vào thu hoạch, VinMart/VinMart+ đã làm việc, liên kết với các HTX, nhà cung cấp tại địa phương để ký kết thu mua vải thiều chứng nhận GlobalGAP đưa vào các điểm bán trên toàn quốc từ 29/5.
Hiện nay, vải thiểu đang vào chính vụ thu hoạch, để tiêu thụ được số lượng lớn cho các HTX, ngoài việc bày bán tại 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, VinCommerce còn tạo gian hàng VinMart trên trang thương mại điện tử Lazada để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mua sản phẩm.
Theo Giám đốc HTX vải thiều Cầu Đền Ngô Văn Liên, năm nay dù chính vụ thu hoạch vải thiều rơi vào thời điểm dịch bùng phát trên cả nước, đặc biệt tại Bắc Giang nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, song vải thiểu không bị rớt giá, nhờ có sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trên cả nước.
“Giá vải thiều HTX đang bán tại vườn dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện, vải đang được các thương lái và các tổ chức… thu mua để xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ và tiêu thụ nội địa. Việc thu mua đang diễn ra rất suôn sẻ, không có chuyện phải “giải cứu”, ông Liên cho hay.
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương cho biết, với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương nói chung và Bắc Giang nói riêng, đặc biệt trong thời điểm dịch bùng phát hiện nay, VinCommerce thu mua trực tiếp tại vườn của các HTX, doanh nghiệp sản xuất, luôn đảm bảo sản phẩm chất lượng “Tươi Ngon Thượng Hạng” tới tay người tiêu dùng.
“Tại các siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, giá bán vải thiều Lục Ngạn cho người tiêu dùng rất phải chăng khi đang giảm giá chỉ còn 26.900 đồng/kg”, bà Phương cho hay.
Chú trọng tiêu thụ thị trường nội địa
Tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT và tỉnh Bắc Giang về các giải pháp tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 mới đây, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang cho biết, việc tiêu thụ vải tương đối thuận lợi vì sản lượng còn ít.
Vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cơ bản thuận lợi. Tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động thành lập 2 tổ công tác lên Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vải thiều.
Tuy nhiên, điều tỉnh Bắc Giang lo nhất là từ ngày 10/6, vào chính vụ thu hoạch vải thiều với sản lượng lên đến 140.000 tấn. Ước tính, mỗi ngày có đến 10.000 - 20.000 tấn vải thiều cần được tiêu thụ ra khỏi tỉnh vào thời điểm thu hoạch rộ.
"Đầu vụ, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi nhưng khi thu hoạch rộ, chúng tôi tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70%, xuất khẩu 30%. Bắc Giang mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ, các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền để mở rộng thị trường nội địa cho trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam tạo nền tảng bền vững cho những năm tiếp theo", ông Thái nói.
Theo ông Thái, hiện tỉnh Bắc Giang đang gặp hai cái khó. Một là phương tiện vận chuyển vì nếu vận chuyển vào thị trường phía Nam phải có container, bảo quản lạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại. UBND tỉnh đã mời Hiệp hội vận tải vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ Bắc Giang vận chuyển tiêu thụ vải thiều.
Cái khó thứ hai khiến lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trăn trở là các chốt trạm của các tỉnh. Mỗi lần xe của tỉnh Bắc Giang qua các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh Covid-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi. Nếu qua mấy chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.
"Việc bố trí phương tiện thì tỉnh có thể lo được, nhưng để các phương tiện vận chuyển vải thiều đi qua chốt trạm thuận lợi, đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nông sản của Bắc Giang qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu", ông Thái nhấn mạnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thanh Hoa