Trước đây, gia đình ông Đinh Kot, dân tộc Ba Na ở làng Ó, xã An Trung thuộc diện hộ nghèo. Nguyên nhân là do thiếu kiến thức cũng như vốn sản xuất. Sau nhiều lần tham gia tập huấn, ông Kot dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Theo đó, năm 2015 ông cải tạo hơn 3 ha đất trống đồi trọc để trồng nhãn hương chi. Ngoài ra, ông còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Sau hơn 4 năm trồng nhãn, vụ thu hoạch đầu tiên năm 2019, gia đình ông đã có thu nhập hơn 100 triệu.
Năm 2020, sản lượng tăng, giá cả cũng đảm bảo nên gia đình ông thu nhập gần 200 triệu. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên dự kiến doanh thu chỉ còn hơn 100 triệu. Dù thu nhập có giảm, nhưng do chuyển đổi đúng thời điểm, đúng hướng, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có tiền tích lũy.
Người dân huyện Kông Chro mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Gia đình chị Châu Liên Thủy, dân tộc Mường vào xây dựng vùng kinh tế mới ở thôn 2, xã Kông Yang cũng từng thuộc diện hộ nghèo. Qua tìm hiểu thực tế, chị Thủy quyết định mua 200 cây na dai về trồng. Năm 2019, vườn na dai cho thu hoạch vụ đầu tiên với kết quả khả quan. Hiện gia đình chị có hơn 900 cây na và 10 con bò lai.
Chị cho biết: “Trước đây, tôi chỉ trồng mì, bắp nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển đổi sang trồng na dai, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Gia đình từ chỗ nghèo khó giờ đã khấm khá hơn”.
Hai gia đình ông Kot và chị thủy là những điển hình của hộ cá thể trong việc thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Kông Chro thời gian qua. Cũng trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ các gia đình, HTX trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. Điển hình phải kể đến như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên, xã An Trung, huyện Kông Chro
Lấy HTX làm đầu mối
Bà Trần Thị Tầm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên cho biết, HTX thành lập vào đầu năm 2019, đến nay có 10 thành viên, trong đó có 6 thành viên là người dân tộc Mường, J’rai. Đầu tháng 9/2019, được sự hỗ trợ kinh phí của Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh, HTX đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha với các loại như: dưa leo, khổ qua, đậu bắp, ớt, cà chua, cà tím, cà giòn, cà dĩa và một vài loại rau ăn lá.
Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng các quy phạm thực hành chuẩn, các biểu mẫu ghi chép trong canh tác; cách thức làm đất, chọn giống, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển rau an toàn… Thông qua các lớp tập huấn, nhận thức của các thành viên HTX trong việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã có sự chuyển biến.
Thành viên HTX nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên chuyển đổi một số diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng măng tây cho thu nhập cao. |
“Các thành viên đã tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất để giảm chi phí, hạn chế tác động xấu đến môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, bà Tầm nói.
Sau một thời gian thực hiện mô hình, các thành viên đã nắm vững quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các ngành chức năng cũng đã lấy mẫu rau để kiểm nghiệm, kết quả đều đạt tiêu chuẩn. Cuối tháng 11/2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho HTX.
Có chứng nhận VietGAP, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Ngọc Khánh Vinh (TP. Đà Nẵng) để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Liên minh HTX Việt Nam cũng tạo điều kiện cho HTX mượn một gian hàng rộng 30m2 tại chợ Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) để trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
“Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để HTX cung ứng những hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp an toàn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để mô hình sản xuất rau an toàn phát triển bền vững, HTX rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền về vốn, cơ chế chính sách”, bà Tầm bày tỏ.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kông Chro cho biết: Kông Chro có thế mạnh về trồng rau ăn quả như: bí, ớt, khổ qua, các loại cà… Mô hình sản xuất rau ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên đã phát huy lợi thế các cây trồng sẵn có tại địa phương. Đây là mô hình mẫu để huyện nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn.
“Huyện cũng tổ chức hội thảo mời thành viên một số HTX trên địa bàn huyện tới tham quan, học tập, qua đó, tuyên truyền tới người dân quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho rau ăn quả của Kông Chro, góp phần nâng tầm giá trị hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân”, ông Hưng thông tin thêm.
Phương Nam
Bài cuối: Tính chuyện đường dài cho hồ tiêu