Cuối năm 2020, với mục tiêu giúp hội viên phụ nữ xây dựng mô hình sinh kế tạo việc làm, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo tại xã chương trình 135 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kom Tum đã ra Nghị quyết 08-NQ/TU về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu tận dụng các loại cây trồng dược liệu phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu để đầu tư sản xuất.
Phụ nữ ngày càng tự tin
Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum, Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông và Hội LHPN xã Tu Mơ Rông lựa chọn xây dựng mô hình tổ hợp tác (THT) trồng sâm dây quy mô 20 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia.
Theo đó, các hộ được hỗ trợ mua giống sâm dây, tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây, cách bảo quản và bao tiêu sản phẩm thông qua việc cung cấp cho các cơ sở chế biến làm mứt, trà uống, ngâm rượu. Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ đã chủ động thành lập tổ thu mua ngay tại trung tâm xã Tê Xăng, tạo điều kiện cho bà con trong quá trình tiêu thụ không bị ép giá. Tại thời điểm này, giá sản phẩm đang ở mức cao tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng…
Tổ liên kết Phụ nữ DTTS trồng sâm dây ở huyện Tu Mơ Rông giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo. |
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc vươn lên phát triển kinh tế, xóa bỏ mặc cảm, UBND tỉnh Kon Tum đã ký kết với Hội LHPN tỉnh chương trình thành lập các mô hình tổ liên kết/tổ hợp tác/HTX do phụ nữ quản lý theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đến nay, các cấp Hội LHPN của tỉnh Kon Tum đã duy trì và thành lập mới 56 mô hình tổ liên kết/tổ hợp tác/HTX về sản xuất, chăn nuôi tại các huyện, thành phố với hơn 1.000 hội viên, phụ nữ tham gia (bao gồm: cấp tỉnh 30 mô hình/633 thành viên; cấp huyện 26 mô hình/236 thành viên). Trong đó, đã kết nối với doanh nghiệp ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 5 tổ hợp tác/tổ liên kết tại các huyện miền núi Tu Mơ Rông, Kon Plong, Sa Thầy...
Trên vườn sâm dây đang chuẩn bị thu cho hoạch, chị Y Pót hồ hởi khoe, gia đình tham gia HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng), trồng sâm dây được 5 năm nay. Từ tiền bán sâm, gia đình đã xây được nhà khang trang, mua xe máy, nuôi 3 con ăn học. Năm nay, gia đình có 7 thêm sào sâm nữa được thu hoạch, ước tính thu thêm 1,5 tấn. Nếu bán hết với giá từ 100.000 - 160.000 đồng/kg, gia đình sẽ có hơn 200 triệu đồng.
"Nhà mình vừa trồng vừa nhân giống mở rộng diện tích, đến nay được hơn 7 sào. Tiền thu lãi từ sâm dây mỗi tháng trên 10 triệu đồng. UBND xã cũng hỗ trợ cả giống sâm Ngọc Linh, trồng cũng được 3 năm rồi. Nhờ trồng dược liệu mà đời sống ấm no", chị Y Pót chia sẻ.
Cũng giống chị Y Pót, chị Y Tý, thành viên HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên được UBND xã Tê Xăng hỗ trợ 50 cây sâm dây giống và phân bón về trồng, cử cán bộ xã xuống hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, gia đình đã có 5 sào sâm dây và 350 gốc sâm Ngọc Linh. Chị Y Tý cho biết, ngoài hỗ trợ về cây giống, phân bón, các thành viên HTX còn được dự các lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao cây trồng, chăm sóc sâm dây, thu hoạch, bảo quản, nhân giống, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nguồn thu từ sâm dây luôn đảm bảo ổn định, đời sống của hội viên được nâng lên rõ rệt.
"Nhà nước hỗ trợ giống sâm dây cho gia đình trồng và phát triển được hơn 5 sào. Năm vừa rồi bán sâm dây cũng được mấy chục triệu, gia đình lại mua bò và trồng thêm sâm Ngọc Linh đến nay được trên 500 gốc. Gia đình chuẩn bị bán thêm 150kg củ sâm dây. Nhờ trồng sâm dây mới có đời sống khấm khá như ngày hôm nay”, chị Y Tý nói.
Đói nghèo lùi xã, ấm no về bản làng
Tê Xăng là xã vùng cao nằm trên triền núi của dãy Ngọc Linh thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Toàn xã hiện có 450 hộ, với trên 1.500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xê Đăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương những năm trước luôn ở mức cao.
Theo ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, những năm trước, đời sống của nhân dân hầu như phụ thuộc vào việc phát nương làm rẫy; trồng và phát triển các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đưa bà con dần thoát nghèo, địa phương đã tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ ưu đãi của các cấp ngành và các tổ chức.
Các thành viên HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chăm sóc thu hoạch sâm dây. |
Trong đó có chương trình hỗ trợ "Phụ nữ biên cương" của Hội LHPN tỉnh Kon Tum và Tổ chức quốc tế CARE tại Việt Nam. Nhờ nguồn đầu tư này, hiện cả 4 thôn trong xã đều trồng và phát triển cây dược liệu với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, gần 500 ha sâm dây chuyên canh; 75 ha sa nhân tím và đương quy; khoảng 15 ha sâm Ngọc Linh trồng xen dưới tán rừng.
Ông A Đe cho biết, UBND xã đã thành lập HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, mục tiêu là hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ sâm dây. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX thu hút 30 hội viên tại thôn Đăk Viên tham gia với tổng vốn điều lệ 671 triệu đồng.
Thông qua mô hình phát triển cây dược liệu này, HTX tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ, tăng thu nhập và góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương. UBND xã cũng đang tiếp tục xây dựng thành lập thêm những tổ hợp tác, HTX khác để hỗ trợ người dân.
"Thời tiết ở đây quanh năm ôn hòa, phù hợp với trồng các loại cây dược liệu và cà phê chè (Arabica). Năm 2017, thực hiện chủ trương của tỉnh Kon Tum, UBND xã Tê Xăng đã hỗ trợ mỗi hộ 60kg sâm dây giống, 100.000 tiền mặt, phân bón... để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2018, hỗ trợ tiếp giống sâm Ngọc Linh trồng xen dưới tán rừng. Từ đó, người dân có nguồn thu nhập ổn định từ cây dược liệu. Nhiều hộ trở nên khấm khá xây được nhà, mua xe máy. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn dưới 30%. Trong vài năm tới thì tỷ lệ này còn giảm xuống nữa”, ông A Đe khẳng định.
Phạm Duy