Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hồi đã hoàn thành 2 lớp dạy nghề trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho gần 50 lao động nữ trên địa bàn xã Pờ Y.
Nữ giới thêm tự tin
Trong thời gian 1 tháng tham gia các lớp học, các học viên được dạy các kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, cách lựa chọn giống vật nuôi phù hợp với địa phương, cách tạo tán, phòng và trị một số bệnh trên cây cà phê, phương pháp hạch toán kinh tế sau mỗi mùa vụ.
Được học nghề giúp lao động nữ trên địa bàn huyện tự tin phát triển sản xuất (Ảnh TL). |
Đặc biệt, qua các lớp đào tạo nghề, lực lượng lao động nữ trong xã đã tự tin vận dụng các kỹ thuật được học vào thực tế, chủ động tham gia các mô hình kinh tế hợp tác tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình, tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, đã thành lập được Tổ hợp tác trồng cây ăn quả gồm 23 thành viên là hội viên Hội phụ nữ, tất cả đều là người dân tộc thiểu số Brâu.
Thông qua mô hình Tổ hợp tác trồng cây ăn quả đã giúp cho các lao động nữ người Brâu tại thôn Đăk Mế có cơ hội thuận lợi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt là được tham gia thêm nhiều lớp đào tạo nghề nhằm tiếp cận các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm trong sản xuất.
Được biết, ngay sau khi ra mắt tổ hợp tác này, Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm tỉnh Kon Tum đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả và giao trên 2.000 cây giống bơ, sầu riêng, mít thái, xoài cho các chị em trong Tổ hợp tác.
Chị Nàng Y Pan, thôn Đăk Mế chia sẻ, trước đây, gia đình chị rất nghèo, chị chỉ ở nhà chăm con, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến đi rừng của chồng.
Năm 2019, sau khi được tham gia lớp học nghề trồng trọt của xã theo tiêu chuẩn hộ nghèo, được miễn 100% học phí, chị được tạo điều kiện tham gia vào Tổ hợp tác, có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, tự tin phát triển mô hình trồng cà phê trên vườn nhà.
“Trước đây, vườn cũng trồng cà phê, nhưng vì kỹ thuật kém nên cây cho năng suất thấp, thường xuyên bị khô héo, phải trồng thay thế. Đến khi vào Tổ hợp tác, nắm chắc quy trình trồng, 1 ha cà phê cho thu nhập ổn định gần 50 triệu đồng/năm”, chị Y Pan cho hay.
Dạy nghề theo thực tế
Theo thống kê, trong hơn 10 năm trở lại đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ngọc Hồi đã phối hợp với với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức thành công gần 70 lớp tập huấn, dạy nghề cho hơn 2.000 hội viên, phụ nữ trên địa bàn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cạo mủ cao su...
Huyện sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nữ trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn thành lập các tổ hợp tác nhằm hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế như: Tổ hợp tác “Nuôi heo địa phương” tại chi hội thôn Dục Nhầy 2 (xã Đăk Dục), “Gian hàng nông sản an toàn” tại chi hội thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục), “Trồng nấm sạch” tại thôn Ngọc Hải (xã Pờ Y).
Hiệu quả của công tác dạy nghề cùng sự tham gia tích cực của các tổ hợp tác đang trở thành động lực giúp nhiều lao động nữ trên địa bàn huyện vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.
Nhờ đời sống được nâng lên, phụ nữ huyện Ngọc Hồi đã có những đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhiều phong trào đã được triển khai và mang lại hiệu quả như Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Nhiều cơ sở Hội phụ nữ thành lập những mô hình, phong trào thi đua hiệu quả như: “Bảo vệ tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, “Phụ nữ tự quản tuyến đường”, “Phụ nữ với môi trường”, “Thu gom chai lọ độc hại”, “Con đường hoa”, “Vườn nhà tôi có tường rào xanh”, “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới”, “Phụ nữ biến rác thành tiền”…
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ngọc Hồi khẳng định trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh, nhất là hoạt động của các tổ hội và hoạt động đào tạo nghề, nhằm tham gia giảm nghèo hiệu quả.
Huyện cũng sẽ tích cực phối hợp giữa các ngành, đoàn thể địa phương để tăng cường công tác dạy nghề cho người lao động và phụ nữ nông thôn, từ đó mở các lớp dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để chị em có nhu cầu đều được học những nghề phù hợp.
Những lao động nữ sau khi được học nghề phù hợp, huyện sẽ tạo điều kiện cho họ được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và phát triển nghề truyền thống, đặc biệt là tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo thu nhập.
Lệ Chi