Trước tình hình đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay, Tổng đại diện Linh mục Đaminh Nguyễn Tuấn Anh của Giáo phận Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) cho biết Tòa giám mục Xuân Lộc yêu cầu quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, các Chủng sinh và anh chị em giáo hữu Giáo phận Xuân Lộc cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng theo những hướng dẫn của Bộ Y tế, nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế).
Nỗ lực phòng dịch Covid-19
Là một trong những giáo phận lớn nhất cả nước, Giáo phận Xuân Lộc có số giáo dân là hơn 1 triệu người, chiếm 1/6 giáo dân cả nước và chiếm 35% dân số của tỉnh Đồng Nai. Lường trước mức độ rủi ro từ những đợt dịch bệnh bùng phát trở lại nên công tác phòng dịch bệnh Covid-19 trong giáo phận luôn được chú trọng.
Để phòng chống dịch Covid-19, Giáo phận Xuân Lộc chú trọng thực hiện giãn cách, giảm bớt số người tham dự mỗi thánh lễ. |
Như chia sẻ của Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc Đỗ Văn Ngân: “Chúng tôi nhìn thấy rõ sự quan tâm, gần gũi, sâu sát của tỉnh đối với hoạt động tôn giáo, trong đó có giáo hội Công giáo. Chính vì vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực, sẵn sàng tham gia đóng góp, chung sức vào sự phát triển của địa phương, tích cực đồng hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
Ngay từ đầu tháng 5/2021, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Tòa Giám mục Xuân Lộc đề nghị các linh mục trong Giáo phận tổ chức Thánh lễ và những sinh hoạt mục vụ có thể quy tụ 50% sức chứa nơi tổ chức, chia thành nhiều Thánh lễ, nhất là các lễ buộc để tổ chức. Tòa Giám mục còn đề nghị tại thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) ngưng tất cả các Thánh lễ và sinh hoạt mục vụ có quy tụ cộng đoàn, chuyển sang hình thức sinh hoạt trực tuyến.
Hồi tháng 2 năm nay, khi dịch cúm Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới nguy hiểm hơn, nhằm chung tay thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Tòa Giám mục Xuân Lộc đã cho dừng các lễ hội, các cuộc tổ chức vui chơi, hội họp đông người, không cần thiết, chú trọng thực hiện giãn cách, giảm bớt số người tham dự mỗi thánh lễ.
Đối với một số nơi còn coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì các quý Cha trong Giáo phận nhắc nhở cộng đoàn thực hiện hết sức nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch (đeo khẩu trang, khử trùng tay, khử trùng khu vực, giữ khoảng cách…).
Còn với những người lớn tuổi, đau bệnh, những người chăm sóc bệnh nhân, các bà mẹ có con thơ, những ai đang ho, sốt, khó thở, những người trong diện cách ly… thì ở nhà và hiệp thông Thánh lễ qua hệ thống truyền thông trực tuyến của Giáo phận lúc 6 giờ sáng mỗi ngày hoặc các Thánh lễ trực tuyến khác.
Hoặc như hồi tháng 8 năm ngoái, nhằm phòng chống dịch Covid-19 bùng phát, hơn 1 triệu giáo dân và hơn 600 linh mục, gần 2.500 tu sĩ… trải dài qua 12 Giáo hạt thuộc Giáo phận Xuân Lộc đã tạm dừng Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ đông người. Theo đó, tất cả tín hữu được miễn chuẩn bổn phận tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các lễ buộc cho đến khi có thông báo mới.
Xây dựng “Xóm đạo bình yên”
Bên cạnh việc chú trọng phòng chống dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây, đồng bào công giáo ở tỉnh Đồng Nai luôn nỗ lực xây dựng xứ đạo bình yên, cũng như chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước.
Như tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nơi mà đồng bào Công giáo chiếm 99,25% dân số toàn xã, với mô hình “Xóm đạo bình yên” ở ấp Đức Long 3 được xem là mô hình tổng hợp của nhiều mô hình trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Mô hình “Xóm đạo bình yên” ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. |
Mô hình này hoạt động thông qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, phù hợp điều kiện sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật, hòa giải trong nhân dân.
Ông Trần Ngọc Kiệm, Trưởng ban hành giáo (giáo họ ấp Đức Long 3), cho biết chỉ trong 2 năm triển khai mô hình Xóm đạo bình yên, các giáo dân trong ấp tham gia vào hoạt động phối hợp với công an, xã đội tuần tra, canh gác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn và cung cấp được trên 21 nguồn tin có giá trị.
Và từ mô hình Xóm đạo bình yên ấp Đức Long 3 ra đời và hoạt động có hiệu quả thì các ấp còn lại trong xã Gia Tân 2 lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động.
Lãnh đạo xã Gia Tân 2 đánh giá mô hình Xóm đạo bình yên có sự tham gia và đóng góp trực tiếp của các linh mục, chức sắc, trong ban hành giáo các giáo xứ trên địa bàn xã. Họ đã tích cực phối hợp cùng chính quyền đi đến từng hộ dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo dân; thường xuyên nhắc nhở giáo dân chấp hành pháp luật, thực hiện sống tốt đời, đẹp đạo trong các buổi lễ ở nhà thờ.
Bên cạnh mô hình Xóm đạo bình yên thì việc phát triển kinh tế hợp tác đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống kinh tế cho các giáo dân ở xã Gia Tân 2. Hiện trong xã có 1 HTX chăn nuôi và môi trường, 2 HTX thiết bị văn phòng phẩm và 9 tổ hợp tác chăn nuôi.
Xã Gia Tân 2 đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX, các tổ hợp tác thực hiện các mô hình chăn nuôi, kinh doanh mặt hàng thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAHP và hoạt động khá hiệu quả.
Không chỉ với xã Gia Tân 2, việc xây dựng xứ đạo bình yên cũng được giáo dân ở các địa phương khác trong huyện Thống Nhất nỗ lực thực hiện rất tích cực.
Theo Linh mục Lê Vinh Hiến, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất, các chức sắc trên địa bàn huyện đã tích cực vận động đồng bào công giáo thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhất là xây dựng ấp văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nơi thờ tự tôn giáo thành các “xứ - họ đạo tiên tiến”, “Xóm đạo bình yên”, “khu dân cư an toàn không có tội phạm, tệ nạn xã hội và an toàn giao thông”…
Còn theo ông Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai, đồng bào công giáo trong tỉnh đã có những cách làm hay, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Thanh Loan