Khắc phục những khó khăn
"Chính bởi những khó khăn nội tại như vậy mà trong nhiều năm, đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương, của bà con, cùng với những chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chương trình 135 đã giúp cuộc sống của bà con thay đổi rất nhiều", ông Đinh Công Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn mở đầu câu chuyện với PV VnBusiness.
Trong khi đó về địa lý, Phú Mãn cách xa trung tâm huyện hơn 20km, địa hình chủ yếu là các vùng đất đồi gò, bạc màu gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, bà con chủ yếu có tập quán canh tác thuần nông, độc canh, cây trồng giá trị kinh tế thấp, phụ thuộc vào tự nhiên nên sản xuất không ổn định. Đây được xem là nguyên nhân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của xã trong thời gian dài.
Đường giao thông xã Phú Mãn (Quốc Oai) được đầu tư khang trang, sạch đẹp. |
Đứng trước những thách thức trên, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã nỗ lực tìm ra hướng đi mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội trên mảnh đất gian khó này.
"Để giải quyết triệt để những khó khăn, lãnh đạo UBND xã đã tích cực tìm tòi và tự đổi mới, đặc biệt để có thể lãnh đạo tập thể đổi mới theo hướng tích cực, trước tiên phải đổi mới bản thân. Nhờ sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, hàng loạt phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế được chính quyền địa phương vạch ra. Từ đó, từng bước phát huy tính tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương", ông Nhật nói.
“Cú hích” lớn từ Chương trình 135
Ông Nhật nói rằng, Chương trình 135 của Chính Phủ giống như một "luồng gió mới", nói đúng ra là một “cú hích” mạnh, giúp cho bộ mặt thôn, bản ở Phú Mãn bứt lên từng ngày. Đặc biệt là sự chuyển biến đậm nét về phát triển sản xuất đã thúc đẩy kinh tế, xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống kể cả vật chất và tinh thần vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Cụ thể, Phú Mãn đã tận dụng lợi thế diện tích đất tự nhiên (bình quân một hộ gia đình có hơn 1.000m2 đất các loại) kết hợp với việc đầu tư, phát triển các dự án xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất... Tất cả đều nằm trong Chương trình 135 hỗ trợ các xã nghèo, đặc biệt khó khăn.
Phát triển chuỗi sản xuất nuôi gà thương phẩm giúp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc vùng cao |
Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, từ những vùng đất đồi gò bạc màu năm xưa, nay đã mọc lên cây trái bốn mùa xum xuê tươi tốt. Đặc biệt, việc hỗ trợ các kỹ năng, tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc đã tạo ra sự chuyển biến lớn, giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương... Diện mạo của xã khởi sắc, trên địa bàn xứ Mường xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới.
Nổi lên trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Phú Mãn là phát triển kinh tế vườn theo quy mô trang trại VAC. Điển hình là hộ gia đình bà Đinh Thị Luyện (thôn Đồng Và, xã Phú Mãn) có 2 trang trại nuôi gà thương phẩm, quy mô trên 10.000 con/lứa.
Chia sẻ với PV VnBusiness, bà Luyện cho biết, đầu những năm 2000, gia đình bà cũng như nhiều hộ nông dân ở đây, trồng trọt theo hướng tự phát, năng suất, sản lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, đầu ra sản phẩm bấp bênh.
Nằm trong diện “vùng 135”, được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, năm 2016, gia đình bà cùng một số hộ khác đã liên kết nuôi gà thương phẩm. Tập trung áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cao, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt và an toàn, có sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, nhờ có những chính sách của Trung ương và thành phố Hà Nội đối với phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc và miền núi. Trong những năm qua, huyện Quốc Oai đã tập trung triển khai các dự án giúp Phú Mãn phát triển hệ thống đường giao thông, xây dựng trường học...
Song song với đó, xã Phú Mãn còn đặc biệt quan tâm phát triển đời sống văn hóa và hỗ trợ đồng bào gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Mường. Từ đó, bà con yên tâm phát triển sản xuất, ngày càng gắn bó với mảnh đất quê hương.
Tô Thương
Bài 2 : Phát huy vai trò HTX trong xây dựng nông thôn mới