NGƯỜI ĐAN LAI TRONG RỪNG PÙ MÁT HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI SÁNG
Ngồi thuyền máy hơn 2 tiếng đồng hồ ngược sông Giăng vượt qua hàng trăm ghềnh đá và xoáy nước, chúng tôi đặt chân lên bản Cò Phạt.
Từ “ăn của rừng”…
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc VQG Pù Mát cho biết, tộc người Đan Lai chỉ có tại huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) với 770 hộ, 3.307 người. Người Đan Lai chủ yếu sinh sống ở đầu nguồn, khe suối, tách biệt các dân tộc khác tại các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê, Thạch Ngàn và Lạng Khê.
VQG Pù Mát hiện có 37 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ thế giới. |
Vùng thượng nguồn khe Khặng (vùng lõi của VQG Pù Mát) ở độ cao trên 1.350m so với mực nước biển thuộc địa bàn xã Môn Sơn được coi là vùng “đất tổ” của tộc người Đan Lai, với 2 bản là Cò Phạt và bản Búng.
Do sống biệt lập trong vùng sâu, gần như không giao tiếp với thế giới bên ngoài, nên cách đây 10 năm trở về trước, người Đan Lai không biết chăn nuôi và trồng trọt, thực phẩm của họ đều từ săn bắt thú và hái lượm. Vì vậy, VQG Pù Mát luôn phải đối mặt với tình trạng săn bắn, bẫy thú rừng. Những con thú rừng như chồn hương, mèo rừng, dúi, lợn sống hoang dã… đều bị đám thợ săn bắt xu hướng tận diệt, trong đó nhiều loài đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Ông Cường cho hay, người Đan Lai sử dụng nhiều loại súng săn và bẫy để săn bắt thú rừng như: lao đâm, bẫy thòng lọng, bẫy kẹp. Các con vật chủ yếu mà các tay bẫy thú thường nhắm đến là lợn rừng, chồn, khỉ, sóc…
Tại VQG Pù Mát hiện có 132 loài thú, 361 loài chim, 55 loài bò sát, ếch nhái, 1.084 loài côn trùng và hơn 2.400 loài thực vật, trong đó có 37 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ thế giới. Trong số các loài động vật, có nhiều loài quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia, quốc tế như: sao la, hổ, gấu, voi, tê tê, thú móng guốc, linh trưởng...
Trong suốt hàng chục năm qua, lực lượng kiểm lâm của VQG Pù Mát luôn phải đấu tranh gắt gao với nạn săn bắt thú rừng, đồng thời kiên trì vận động người Đan Lai từ bỏ việc săn thú rừng làm thức ăn, chuyển sang canh tác chăn nuôi, trồng trọt để tự tạo ra thực phẩm.
“Sống trong rừng, nhu cầu của người dân cần gỗ để làm nhà và săn bắt thú rừng, cá dưới suối để làm thức ăn. Dù luật đã nghiêm cấm nhưng rất khó để ngăn chặn người dân xâm hại đến rừng”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, hiện lực lượng kiểm lâm của Vườn chỉ có 77 người, đảm trách ở 11 trạm kiểm soát, trong khi cần phải có ít nhất 200 người mới có thể đảm trách hết lượng công việc bảo vệ rừng.
…Đến “biệt đội giải cứu”
Từ năm 2018, một “biệt đội” giải cứu thú rừng ra đời, tập hợp những người dân của chính tộc người Đan Lai và người tình nguyện ở Nghệ An làm nhiệm tiếp sức cho lực lượng kiểm lâm. Ba năm qua, lực lượng này đã liên tục tổ chức hàng trăm đợt đi dài ngày trong rừng để kiểm tra, bảo vệ và giải cứu thú bị săn bắn, đánh bẫy.
Từ một thợ săn khét tiếng, anh Lương Văn Kính "giải nghệ", tham gia "biệt đội" giải cứu thú rừng, tích cực tuyên truyền người dân bảo vệ rừng. |
Chúng tôi gặp “quát kiệt hoàn lương” Lương Văn Kính, vốn là một thợ săn khét tiếng sống ở vùng Đan Lai trước đây. Được biết, anh và Kiểm lâm cơ động Pù Mát được lọt vào Top bầu chọn “Nhân vật của năm” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chương trình mang tên: VTV Awards 2020 - Dấu ấn 50 năm.
Anh Kính kể, cuộc sống ở rừng núi, trước kia thức ăn đều từ săn bắn các loài động vật ở trong rừng: “Bắn được những con vượn, cạo lông ra, trông nó như xác người, chúng tôi cứ luộc lên ăn thôi. Mình bắn con mẹ xuống, thì cứ 30 phút là có một con vượn nhỏ nhảy quanh, đi tìm mẹ. Muốn để lại là để thôi, chứ còn không là giết cả đàn rất dễ dàng. Tê tê thì làm hang dưới đất, làm hang như dúi, đã định bắt là không lối thoát. Bắn hay bẫy được con gấu, cứ luộc lên ăn với nhau thôi”.
Theo anh Kính, những năm 2000 trở về trước, thú ở trong rừng Pù Mát rất nhiều. Ngày xưa, bắn được thú rừng không bán, sau thương lái mua rất nhiều, bà con thi nhau đi bẫy để bán. Từ đó, thú rừng thật sự mới suy giảm về số lượng, nhiều loài gần như tuyệt chủng.
“Sau này, vì tôi là thợ săn “tàn khốc” quá, nên người của các tổ chức bảo tồn vào làm quen và rủ đi bảo vệ rừng. Họ nói là cứ đi thử coi, đi để mà tìm hiểu. Đầu tiên là đi với chú Hùng, cán bộ VQG Pù Mát. Đi, nghe chú nói, thấy chú làm, tôi dần hiểu ra cái việc bẫy và bắn thú của mình đã làm trước đó là quá nhẫn tâm. Từ đấy, tôi bỏ nghề thợ săn, đi giải cứu thú rừng khỏi những cái bẫy, rồi chăm sóc chúng. Tôi cùng kiểm lâm đi vận động giao nộp súng săn, vận động bà con không phá rừng bắn thú”, anh Kính chia sẻ.
Theo anh Kính, Trung tâm “Save Vietnam’s Wildlife” cho anh đi làm việc. Anh đã “phổ biến” cho các cán bộ trẻ, các chuyên gia bảo tồn từ nơi khác đến hoặc từ… các trường đại học ra những “kinh nghiệm để đời” trong việc đi phá bẫy, bắt súng săn của lâm tặc.
“Mình đi vào đó, gặp lán thì phá hủy, gặp người thì động viên, tuyên truyền cho họ, bảo họ đừng chặt cây và săn bắt thú hoang. Nhiều lần, tôi cũng bị họ chửi, dọa “đập” và dọa bắn bằng súng tự chế nữa. Có những lúc họp dân, tôi cũng hay nói, nói từ chuyện đời tôi mà ra. Tôi từ một người là dân sống ở vùng Đan Lai, tôi cũng săn bắn thú thiện xạ, khét tiếng, rồi tôi đi cùng cán bộ làm bảo tồn động vật. Tôi kể với họ, tôi để ý, rình những lúc họ uống rượu, tụ tập, thì mình ngồi vào đó, mình tuyên truyền cho họ”, anh Kính kể.
Bài 3: Người Đan Lai đã biết chăn nuôi, trồng trọt
Chu Minh