Tân Hòa là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Những năm gần đây, nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp và giá trị từ cây quế đem lại cao, người dân trên địa bàn xã Tân Hòa đã tích cực trồng và mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có 80% hộ dân phát triển mô hình trồng quế với tổng diện tích 570 ha, riêng trong năm 2021, toàn xã trồng mới trên 40 ha.
Tận dụng lợi thế để vươn lên
Với mong muốn tận dụng được hết các sản phẩm của cây quế, tạo liên kết tiêu thụ ổn định cho bà con, tránh được việc tư thương ép giá, giúp người nông dân yên tâm phát triển rừng trồng, tháng 9/2021, HTX Quế – Thạch đen Tân Hòa được thành lập với 7 thành viên là người dân tộc Dao. HTX hoạt động với mục tiêu liên kết các hộ trong xã đã trồng và có kinh nghiệm ươm giống cây tham gia hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản chủ yếu là quế và thạch đen. Dù chỉ mới thành lập nhưng HTX đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Thành viên HTX Quế – Thạch đen Tân Hòa chăm sóc cây quế giống. |
HTX đã sản xuất và cung cấp ra thị trường gần 50 vạn cây giống, đem lại doanh thu gần 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho các lao động với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng và 30 lao động thời vụ.
Ngoài sản xuất cây giống, HTX còn thu mua gần 100 tấn vỏ quế và thạch đen, mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng cho bà con. Anh Đặng Văn Tàn (dân tộc Dao) cho biết, trước khi vào HTX, anh thường bị tư thương ép giá. Tham gia HTX, anh được bao tiêu sản phẩm nên thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Cuối năm 2022, anh bán 3 tấn vỏ quế và thu về gần 150 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước..
Anh Nguyễn Văn Võ, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX có định hướng tập trung phát triển sản xuất cây giống lâm nghiệp như: quế, mỡ, keo…, trong đó sản xuất cây quế giống là chủ lực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều sản phẩm của cây quế chưa được tận dụng. Vì vậy, HTX đang từng bước xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất, chế biến.
“Mong muốn của HTX là tạo chuỗi liên kết, từ cung ứng giống cây trồng đến thu mua, sơ chế, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm phát triển rừng trồng”, anh Võ cho hay.
Hướng đi này của HTX nhận được sự tin tưởng từ người dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Hiện nay, toàn xã có 175 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên 7,9 tỷ đồng để mở rộng quy mô trồng quế. Nhiều hộ trồng quế đã đăng ký tham gia vào HTX.
Ông Hoàng Kim Viện, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa khẳng định, HTX Quế – Thạch đen Tân Hòa đã tiên phong đặt nền móng xây dựng mô hình HTX phát triển theo chuỗi giá trị, mở ra hướng đi vững chắc cho vùng quế của xã Tân Hòa và các xã lân cận. Đồng thời, giúp xoá đói giảm nghèo bền vững cho người người DTTS tại địa phương.
Tiếp thêm trợ lực cho HTX bứt phá
Theo Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 2/2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 463 HTX với tổng vốn đăng ký khoảng 1.035 tỷ đồng. Các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm 72,2%). Tổng số thành viên của HTX là 5.367 thành viên, doanh thu bình quân của HTX là 1,2 tỷ đồng/HTX. Mức thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng; đóng góp ngân sách nhà nước của các HTX năm 2022 là 7,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, phát triển HTX vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp, chưa có sức lan tỏa, chưa tạo sự gắn kết cho thành viên và người dân. Nhiều HTX chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX vùng DTTS, tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi cho phép HTX, liên hiệp HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này được vay vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay.
HTX, liên hiệp HTX tham gia vào dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có thể được vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng trong thời hạn tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay 3,96%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS được vay tối đa là 2 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Những chính sách tín dụng ưu đãi với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất được kỳ vọng là đủ sức hấp dẫn, tạo xung lực mới để HTX, liên hiệp HTX tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Dương Hà