Về Đắk Song, học làm nông nghiệp sạch
Tôi hỏi anh Cường, chủ vườn cà phê ở Đắk Song,rằng mỗi năm đã “bỏ túi” hơn nửa tỷ đồng rồi, sao còn khăn gói, cắp sách đi học làm gì? Anh cười bảo: “Làm gì thì làm, có học vẫn hơn”!
Chạy xe dọc theo con đường cắt ngang thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, dưới tán những cây mận trắng, tôi bắt gặp anh Trần Văn Cường vừa từ trụ sở UBND xã đi ra, tay cầm sách bút, một cảnh xưa nay hiếm với những người nông dân vốn quen tay cuốc, tay xẻng.
Lạ với khách đến chơi thôi, anh Cường chia sẻ, chứ ở Trường Xuân nhiều năm qua, hình ảnh người nông dân tạm gác cuốc cày, máy móc, cắp sách đi học làm nông nghiệp sạch không còn xa lạ nữa.
Sau hơn 1 năm học, vườn cà phê 3ha của anh Cường giờ chia đôi. Một trong số đó đang áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là nhân tạo, tức là tự làm. Như đạm được làm từ quá trình ủ cá, đậu tương…, kali được tích hợp từ quá trình ủ thân và quả chuối, lân được tích hợp từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc…
Theo tính toán của anh Cường, với phương pháp này, anh cùng những người trồng cà phê, hồ tiêu ở địa phương có thể giảm chi phí đầu tư từ 13 đến 15 triệu đồng/ha. Và điều quan trọng nữa là sức khỏe con người, môi trường sinh thái được cải thiện đáng kể.
“Sau khi tham gia các lớp học làm nông nghiệp sạch, rồi thực hành kỹ ngoài vườn, nắm vững kiến thức, tôi về tự ủ phân, chế phẩm phòng trừ sâu sinh học cho vườn cà phê, hồ tiêu. Tôi thấy quy trình làm cũng đơn giản, nguyên liệu làm các chế phẩm này đều rất rẻ nên chi phí đầu tư cũng giảm bình quân 30 - 40% so với trước. Vườn cây thì ngày càng xanh tốt hơn, đất mềm, xốp, mát hơn, cỏ được cắt bằng máy, cắt xong rải ngay xuống đất chứ không cần dọn đi đâu. Bây giờ ra vườn cà phê, vườn tiêu, cảm giác mát mẻ, không khí trong lành, thích lắm”, anh Cường hồ hởi nói.
Với 3 ha cà phê, mỗi năm anh Cường thu về 500 - 700 triệu đồng, nhưng để tạo ra giá trị bền vững, anh luôn tìm kiếm cơ hội học tập. Bởi, anh quan niệm có kiến thức rồi thì cách nghĩ khác, cách nghĩ khác thì cách làm khác, hiệu quả cũng khác. Thời gian tới, anh dự kiến nhân rộng sản xuất hữu cơ ra toàn vườn.
Anh Cường chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn nông dân ở Đắk Song từng tham gia vào các lớp học của HTX nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông. Với mục tiêu ban đầu thành lập chỉ là để hỗ trợ đầu ra cho thành viên, đến nay, HTX tham vọng có thể truyền bá “hệ tư tưởng” của mình.
Với tay lấy bịch cà phê thương hiệu Champi của HTX, anh Hà Công Xã, người thầy trực tiếp giảng dạy cho nông dân về nông nghiệp hữu cơ, chia sẻ hành trình định nghĩa lại phương thức sản xuất, từ manh mún nhỏ lẻ sang tập trung, an toàn sinh thái là một hành trình dài và chắc chắn không dễ dàng.
Khi kiểu tư duy cũ đã ăn sâu bám rễ rồi thì rất khó để thay đổi, tuy nhiên, những người nông dân ở Đắk Song đã và đang cho thấy sự hào hứng lạ thường với cái mới.
“Đặc điểm của người nông dân là thích ứng rất nhanh, với nền tảng kinh nghiệm có sẵn, chỉ cần vài buổi tập huấn là họ có thể làm ra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chất lượng tốt. Quan trọng là phải khiến họ tin tưởng, thấy cách làm mới là có lợi hơn, hiệu quả hơn”, anh Xã khẳng định.
Bên cạnh tinh thần ham học hỏi, theo vị đại diện HTX, việc người nông dân ở Đắk Song hào hứng đi học làm nông nghiệp hữu cơ là bởi những bài học từ quá khứ. Vấn nạn “cà phê bẩn” từng gây tiếng oan, gây thiệt hại rất lớn cho người trồng cà phê trong huyện nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung.
Khi niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp, không còn cách nào khác, người trồng cà phê phải bán thô cho thương lái. Thương lái nói cao thì được giá cao, thương lái nói ế thì buộc phải chấp nhận giá thấp.
Nông dân vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm ra sản phẩm tốt, nhưng quyền sinh quyền sát trên thị trường lại thuộc về thương lái. Nhiều người không chịu, giữ cà phê lại, hy vọng giá sẽ lên, nhưng điều kiện bảo quản không tốt nên chất lượng cà phê giảm, thậm chí hỏng, thiệt hại càng lớn hơn.
“Chính những bài học nhãn tiền đó đã kích thích những người nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Đây cũng là động lực để HTX Bechamp Đắk Nông ra đời, quyết tâm dạy nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xóa “tiếng oan” cà phê bẩn”, anh Hà Công Xã nói.
Rồi cứ thế, các lớp dạy làm nông nghiệp hữu cơ ở Đắk Song được mở ra, nối tiếp nhau hết đợt này đến đợt khác, dựa trên hai yếu tố cốt lõi là niềm tin của những người nông dân và khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững của những người sáng lập HTX Bechamp Đắk Nông.
Ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông chia sẻ: "Không ít người khi đi học nói rằng họ khiếp sợ tác hại của thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại. Chính vì thế, chúng tôi càng trăn trở tìm hướng đi mới từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cân bằng sinh thái"
Tại các lớp học của HTX, theo ông Hùng, mọi người không nói quá nhiều về chuyện tiền bạc, họ nói nhiều hơn về sự hạnh phúc của việc làm nông nghiệp. Việc cùng học canh tác cà phê, hồ tiêu giữa những khu vườn, thậm chí nếm thử phân bón, thuốc trừ sâu... khiến những người nông dân 4.0 ở Đắk Song tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, với những giá trị vững bền hơn.
“Mong muốn trước mắt của chúng tôi là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện giá trị canh tác. Sau đó là mục tiêu nâng tầm thương hiệu, làm sao để các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước tìm đến tận vườn ký hợp đồng hợp tác với nông dân”, vị đại diện HTX nhấn mạnh.
Mỹ Chí