Năm 2018, HTX nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh, thôn Trà Nà, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan đã thực hiện thành công mô hình trồng lúa chất lượng cao vụ mùa với giống lúa Japonica Nhật Bản (hay còn gọi là TBJ3) trên địa bàn xã Trấn Ninh. Với những gì đã làm được, HTX Trấn Ninh là một trong 200 HTX của cả nước thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Chưa đủ sức thu hút nhân lực
Xã Trấn Ninh cách trung tâm huyện Văn Quan 16km, là địa phương thuần nông với hơn 70% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Trấn Ninh cũng là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% và cận nghèo hơn 10%. Những năm gần đây tuy đã có bước tiến đáng kể trong sản xuất lúa trên địa bàn xã nhưng khả năng tăng năng suất còn hạn chế, tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao chưa nhiều, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích còn rất thấp.
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, chính quyền xã vận động nhân dân tham gia làm thành viên HTX nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh để cùng thực hiện mô hình "Sản xuất lúa cao sản TBJ3 Nhật Bản phục vụ liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Theo đó, liên kết ở 4 khâu: Khâu đầu vào (gồm giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật) - Khâu sản xuất - Khâu chế biến, bảo quản - Khâu tiêu thụ. Để mô hình đạt hiệu quả, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Phú Thái, Hà Nội. Công ty bán giống và thu mua toàn bộ sản lượng lúa của HTX.
Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về công tác cán bộ nên thời gian đầu, HTX Trấn Ninh hoạt động đạt hiệu quả cao. |
Mô hình được thực hiện từ đầu tháng 6/2018 với quy mô gần 30ha của 100 hộ gia đình, kinh phí thực hiện gần 420 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và 100% chi phí mua giống, 100% phân bón hữu cơ vi sinh và NPK; nhân dân chuẩn bị nhân lực và vốn đối ứng. Qua đánh giá, TBJ3 là loại lúa cứng cây, chống chịu rét tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, thích hợp nhiều chân đất và có thể cấy vụ xuân và vụ mùa, chất lượng gạo dẻo, thơm, ngon, năng suất đạt khoảng 2,5 - 2,7 tạ/sào. Với mức giá 26.000 đồng/kg, loại gạo này đang được thị trường ưa chuộng và đem thu nhập cho nông dân gấp 2 lần so với giống lúa địa phương.
Cũng trong năm 2018, HTX nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh là một trong số 10 HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp với thời hạn 36 tháng. Theo đó, HTX được hỗ trợ chi phí để trả lương cho nhân lực trình độ cao. Các chính sách hỗ trợ thiết thực chính là động lực để các HTX hoạt động có hiệu quả, giúp người dân hưởng lợi trên chính đồng ruộng của mình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
“Tuy nhiên, đến thời điểm này, HTX gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý điều hành bởi chính sách hỗ trợ không kéo dài. Việc HTX hạn chế nguồn thu nhưng vẫn phải bỏ thêm kinh phí để chi trả nhân lực nên chỉ sau 3 năm, HTX không thể giữ chân được các nhân lực trẻ, có năng lực làm việc cho HTX”, ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX Trấn Ninh nêu khó khăn.
Nhiều thách thức xuất hiện
Không chỉ các HTX nông nghiệp đang sản xuất theo hướng truyền thống, ngay cả các HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng gặp phải khó khăn về công tác cán bộ. HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) là một trong những ví dụ điển hình. HTX có diện tích nhà lưới trên 5.000 m2, có hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương… với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.
Đi vào hoạt động từ năm 2017, đến nay, HTX đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất của HTX chưa được như mong muốn bởi không chỉ hạn chế về nguồn nhân lực quản lý, điều hành, mà HTX còn khó khăn về vốn để đầu tư nhà lưới, nhà màng và nhất là đất đai.
Ông Hoàng Văn Thuận, dân tộc Tày, Giám đốc HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao cần cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật, cán bộ nông lâm nghiệp có trình độ đại học, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh, điều hành. Ngoài ra, HTX cũng cần số vốn lớn để đầu tư.
Cán bộ có trình độ, nhiệt huyết là điều kiện để các HTX trong vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn bứt phá vươn lên. |
“Tuy nhiên, việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, có năng lực còn rất hạn chế vì họ ngại về làm việc ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực HTX. Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngân hàng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn rất khó do giá trị đầu tư tài sản, công trình nông nghiệp và đất HTX đang thuê sản xuất không thể sử dụng để làm tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, hiện nay, việc thuê đất từ các hộ dân để HTX mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do doanh thu của HTX chưa đủ chi trả mức tiền thuê do một số hộ đưa ra”, ông Thuận nói.
Phạm Duy
Bài 2: Phát triển HTX bắt đầu từ công tác cán bộ