'Trận đánh lớn' của những người trẻ khởi nghiệp cùng HTX
Khởi nghiệp giống như một làn sóng đang tạo sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ những người trẻ ở Phú Thọ. Ở đó, không ít người đã lựa chọn mô hình HTX là điểm tựa để hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thu Cúc là một xã miền núi của huyện Tân Sơn (Phú Thọ), nằm cách trung tâm huyện 15 km với hơn 10 nghìn nhân khẩu, 4 dân tộc chung sống là Mường, Kinh, Dao và Mông, trong đó người Mường chiếm khoảng 70%, người Dao và H’Mông chiếm 13%...
Trong khi nhiều lao động chọn hướng thoát ly ra thành phố lập nghiệp, không ít người trẻ ở Thu Cúc đã chọn “bám rễ” đồng đất quê hương để khởi nghiệp. Bằng sự sáng tạo, ham học hỏi, họ đã tận dụng điều kiện tự nhiên tại địa phương để sản xuất và phát triển kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền như mật ong Tân Sơn, chè Nàng Cúc, rượu Mường Cúc...
Dù còn nhiều khó khăn, song những mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn xã Thu Cúc đã và đang mở lối phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục, hàng trăm lao động ở địa phương.
Một trong những “cánh chim đầu đàn” trong phong trào khởi nghiệp, tạo tiếng vang và cảm hứng mạnh ở Thu Cúc là anh Hà Văn Sao, sinh năm 1992, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc.
Năm 2017, khi tròn 25 tuổi, anh Sao tình cờ được biết và tiếp cận với chương trình hỗ trợ học nghề sản xuất nông nghiệp an toàn cho đoàn viên thanh niên ưu tú của Huyện đoàn Tân Sơn (Phú Thọ). Kết thúc lớp học, anh Sao đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất thực phẩm sạch, mang đậm phong cách đồng quê.
Nhờ sự ủng hộ của đoàn viên thanh niên và bà con nông dân, cùng sự đồng hành của chính quyền địa phương... tháng 1/2020, HTX nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, với 13 thành viên, trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương.
HTX đi vào hoạt động đã góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp theo tổ, nhóm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
HTX hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như: thu gom, xử lý rác thải; kinh doanh các sản phẩm mật ong Tân Sơn, chè Nàng Cúc, rượu Mường Cúc; mô hình vườn cây giống khuyến nông, cây ăn quả...
Các mô hình được phát triển và nhân rộng đã tạo nên một hệ sinh thái khép kín, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đồng thời cũng mang lại thu nhập cao hơn cho người dân bản địa, đóng góp một phần vào sự phát triển của kinh tế địa phương.
“Các hoạt động thu gom và xử lý rác thải, kinh doanh buôn bán các sản phẩm chè, mật ong, dược liệu, cung cấp các loại cây giống, vật nuôi của HTX đang cho hiệu quả tốt, tạo việc làm cho gần 40 lao động, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao với thu nhập bình quân trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng”, thuyền trưởng HTX Mường Cúc chia sẻ.
Cũng là một người trẻ chọn HTX để khởi nghiệp với khát khao làm giàu trên chính mảnh đất của ông cha để lại, anh Nguyễn Đức Vương đang gặt hái nhiều thành công với các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ từ tre, trúc, những loài cây thế mạnh tại địa phương.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Vương chia sẻ một trong những thế mạnh của huyện Cẩm Khê là những rừng trúc, tre bao la, bạt ngàn. Tuy nhiên, trước đây, nguồn tài nguyên này chưa được khai thác triệt để, tương xứng với tiềm năng vốn có.
Bắt đầu từ ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc thân thiện với môi trường, anh Nguyễn Đức Vương đã mạnh dạn tìm nguồn nguyên liệu, vay vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, rồi mở xưởng sản xuất, với sản phẩm đầu tiên là ống hút.
Đến năm 2021, sau khoảng 3 năm thử nghiệm với nhiều thành công ban đầu, để nâng cao năng lực sản xuất, anh Vương quyết định thành lập HTX tre, trúc VNS Phú Thọ, gồm 7 thành viên chính thức.
Việc thành lập HTX, theo anh Vương, giúp các thành viên có thêm điểm tựa chính danh, từ đó nâng cao uy tín, tự tin tiếp cận các khoa học, kỹ thuật mới, làm ra những sản phẩm tinh tế, thiết thực, an toàn khi sử dụng. Góp phần đưa sản phẩm làm từ tre, trúc của HTX bay xa hơn.
Với tiêu chuẩn vượt trội cả về chất lượng, mẫu mã, thẩm mỹ, sản phẩm của HTX đang thành công chinh phục người tiêu dùng khắp trong Nam, ngoài Bắc, đồng thời thành công chạm ngõ các thị trường nước ngoài khó tinh như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…
Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh bàn tay điêu luyện của người lao động, HTX còn tích cực ứng dụng các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ hiện đại như máy cưa, cắt, phun sơn...
Đặc biệt, trong khâu kết nối thị trường, HTX đã chủ động bắt nhịp chuyển đổi số, lập website, đăng ký bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán những sản phẩm từ tre, trúc ra thị trường.
Đến nay, HTX đã đưa ra thị trường với các sản phẩm decor và đồ gia dụng tre, trúc cao cấp, thiết kế nội, ngoại thất nhà hàng, khách sạn, homestay, resort… Từ năm 2022, HTX được tỉnh Phú Thọ công nhận nhóm sản phẩm dao, thìa, dĩa, ống hút tre đạt OCOP 4 sao và nhóm sản phẩm khay, ấm, chén, cốc, hộp trà tre đạt OCOP 3 sao.
Nhờ sản xuất ổn định, thị trường tiêu thụ rộng, trung bình, doanh thu của HTX tre, trúc VNS Phú Thọ trên dưới 6 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-12 triệu đồng/người/tháng.
Nhắc đến phong trào khởi nghiệp với HTX ở Phú Thọ không thể không kể đến chàng trai 9X Hoàng Thạch Chất, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Hơn 5 năm qua, anh trở thành người lèo lái con thuyền HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao vượt qua nhiều khó khăn, gặt hái nhiều thành công ấn tượng.
Hồi tưởng về những ngày đầu quyết định khởi nghiệp, chàng trai sinh năm 1991 chia sẻ, HTX xuất phát điểm với chỉ 2 thành viên hoạt động thường xuyên, tổng diện tích sản xuất chưa đầy 3 ha, triển khai trồng các loại rau, củ, quả sạch.
Khởi nghiệp với nông nghiệp sạch chưa bao giờ là dễ dàng, anh Chất cùng cộng sự của mình phải cất công xử lý từng thửa đất sao cho đạt chuẩn về chất lượng, liên tục đi tham quan học hỏi từ những mô hình đi trước đã thành công, trải qua hết thất bại này đến thất bại khác để rồi từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
“Để thuyết phục những người khác tham gia vào mô hình sản xuất của mình, không còn cách nào khác là chính mình phải thành công. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã xác định dù có khó khăn thế nào cũng phải giữ vững mục tiêu làm nông nghiệp sạch, hiện đại, an toàn, bền vững”, anh Chất bộc bạch.
Sự nỗ lực không ngừng cuối cùng đã mang đến cho HTX Lâm Thao những quả ngọt đầu tiên. Đến nay, HTX có 30 thành viên với quy mô sản xuất trên 10 ha. Ngoài sản xuất, kinh doanh rau an toàn, HTX mở rộng thử nghiệm trồng các loại dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và các giống quả ăn trái… được thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp nhận.
Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, phân phối sản phẩm theo hướng truyền thống, HTX còn đi đầu trong ứng dụng công nghệ khi xây dựng website riêng có đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt, hệ thống bán hàng trực tuyến, quảng cáo thương hiệu đã và đang được xem là những thành công của những thành viên là thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. HTX đã tạo việc làm cho 20-25 lao động địa phương. Doanh thu đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy, phong trào thanh niên khởi nghiệp với mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang có những chuyển biến tích cực, bước đầu tạo tiếng vang lớn, truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ trong và ngoài địa bàn.
Để tiếp tục lan tỏa làn sóng khởi nghiệp, mở hướng làm giàu bền vững cho người dân trên chính mảnh đất quê hương, tỉnh Phú Thọ dự kiến tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích, tăng cường hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp, đặc biệt là những mô hình khởi nghiệp của người trẻ, thanh niên, qua đó đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
..............................................
Lệ Chi