Tỉnh Lạng Sơn hiện có 340 HTX đang hoạt động với 5.031 thành viên, vốn điều lệ 722.082 triệu đồng, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp 222 HTX; thủy sản 19 HTX; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 33 HTX; thương mại dịch vụ 39 HTX, xây dựng 7 HTX, vận tải 14 HTX.
Phát triển chưa đồng đều
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhiều HTX đã phát triển mở rộng quy mô, thay đổi mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, dần dần sản xuất theo chuỗi giá trị như HTX An Hồng (TP Lạng Sơn) chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín; HTX thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn) nuôi trồng thuỷ sản theo hướng VietGAP với quy mô 37 lồng, cung cấp sản phẩm cá các loại (cá chép, cá lăng, cá diêu hồng, rô phi...); HTX Phượng Hoàng (huyện Chi Lăng) với mô hình trồng cây ăn quả như bưởi, na, mít Thái... theo hướng VietGAP, liên kết mở rộng sản xuất kinh doanh...
Nguồn nhân lực có trình độ luôn là những khó khăn cần tháo gỡ của các HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. |
Bên cạnh sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh, nhiều HTX mạnh dạn đầu tư mô hình trồng cây dược liệu như cà gai leo, các loại sâm, cây kim ngân... như HTX Đồng Phát (huyện Tràng Định) trồng cà gai leo; HTX Nông nghiệp Thành Công (TP Lạng Sơn) trồng một số cây dược liệu ; HTX Nông nghiệp Hồng Hạnh (huyện Cao Lộc); HTX nông lâm nghiệp Nhật Tiến (huyện Hữu Lũng); HTX sản phẩm nông nghiệp an toàn (huyện Văn Quan) trồng cát sâm...
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy chưa thực hiện tốt các khâu như cung cấp các yếu tố đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của thành viên HTX, nhưng đã góp phần dần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập của các thành viên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, ổn định sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số ít các HTX nói chung, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng hoạt động có hiệu quả. Còn lại, đa số HTX có quy mô nhỏ, vốn tài sản thấp. Hội đồng quản trị của các HTX còn hạn chế về năng lực điều hành. Các thành viên HTX vẫn tự chủ trong các khâu sản xuất, chưa tổ chức liên kết thống nhất trong sản xuất nên sản lượng chưa cao, Kiểm soát viên, kế toán chất lượng chưa đồng đều. Nhiều HTX không có cán bộ chuyên môn, nhất là về khoa học kỹ thuật, công nghệ do đó khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp, lợi nhuận không đạt mục tiêu đề ra.
Cần chính sách đồng bộ
Trước những khó khăn như vậy, trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung, trong đó có các HTX đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn về vốn, cuối năm 2014, Lạng Sơn đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Qua mỗi năm, Quỹ được tỉnh bổ sung kinh phí và đến nay, tổng vốn điều lệ được nâng lên 7,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có 35 HTX được vay vốn để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hoạt động hiệu quả nhờ thu hút được cán bộ có trình độ và ứng dụng sản xuất, tiêu thụ nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Ông Bế Văn Kiểu, dân tộc Nùng, Giám đốc HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết, trước đây hoạt động chính của HTX là nuôi cá tại hồ Phai Thuống. Tuy nhiên, lòng hồ rộng, việc khai thác “được chăng hay chớ”, có năm thu không đủ bù chi. Năm 2018, được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, HTX đã đầu tư 11 lồng cá. Qua 3 năm triển khai mô hình nuôi cá lồng, thu nhập của HTX đã dần đi vào ổn định. Trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu lãi từ 15 - 25 triệu đồng/năm.
Cùng với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án phát triển sản xuất tại các xã nông thôn mới để đầu tư hoạt động sản xuất. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX.
Cụ thể năm 2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ 10 HTX đưa trí thức trẻ có trình độ từ cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.
Giai đoạn 2017 - 2020, Lạng Sơn đã tổ chức được 15 lớp cho trên 1.000 lượt cán bộ quản lý và thành viên HTX. Qua đó, nâng cao kiến thức, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất cho các thành viên HTX. Giai đoạn 2021-2025, Lạng Sơn dự kiến sẽ mở khoảng 20 lớp cho 1.500 cán bộ được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý, điều hành HTX. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Lạng Sơn dự kiến tổ chức 7 lớp tập huấn cho 560 người.
Bên cạnh các giải pháp trên, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh cùng một số cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ HTX trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX thành viên; hỗ trợ tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cũng như tiếp cận các chương trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất…
Những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai đã giúp HTX nông nghiệp từng bước vượt khó, vươn lên. Nhờ vậy, doanh thu trung bình của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay được 550 triệu đồng/năm, tăng gần 100 triệu đồng so với năm 2017; tạo việc làm cho gần 5.000 lao động, tăng 1.560 lao động so với năm 2017.
Để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động, thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực, linh hoạt của mình, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của các cấp, ngành. Từ đó, giúp các HTX phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Phạm Duy