Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tỉnh Lạng Sơn có 241 HTX, trong đó có đến hơn 60% HTX trong vùng đồng bào dân tộc. Đến thời điểm này, địa phương chỉ có hơn 30 HTX hoạt động khá tốt, tăng 10% so với năm 2017.
Khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
Các HTX tiểu biểu phải kể đến như: HTX Thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn); HTX Sản xuất và dịch vụ Quảng Hồng (xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn); HTX Đồng Phát (huyện Tràng Định) trồng cà gai leo; HTX Nông nghiệp Thành Công, (TP Lạng Sơn) trồng một số cây dược liệu; HTX Nông nghiệp Hồng Hạnh (huyện Cao Lộc), HTX nông lâm nghiệp Nhật Tiến (huyện Hữu Lũng), HTX sản phẩm nông nghiệp an toàn (huyện Văn Quan) trồng cát sâm ...
Cán bộ trẻ có trình độ, năng động tham gia sẽ giúp HTX nâng cao năng suất và chất lượng của thủy sản. |
Có thể kể đến HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn. Năm 2010, HTX được thành lập với 12 thành viên, đa số là dân tộc Nùng, số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 60 triệu đồng. HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Vốn ít, hoạt động sản xuất của các thành viên HTX chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp.
Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, đặc biệt thông qua lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do giảng viên của Trường Bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) truyền đạt đã gợi mở cho HTX có thêm những hướng phát triển mới. Điển hình như việc lập phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết, sau khi tham dự tập huấn, HTX đã áp dụng vào thực tế và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị cụ thể. Một mặt, HTX chuyển đổi từ nuôi cá ở hồ sang nuôi cá lồng, mặt khác tìm mối liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Khi đã có liên kết theo chuỗi, HTX yên tâm thực hiện khâu sản xuất, các khâu giống, thức ăn đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp, HTX khác lo. Yên tâm sản xuất, hiệu quả kinh tế ngày một rõ nét. Từ chỗ thu không đủ bù chi năm 2010, đến nay doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng
“Có được kết quả này là nhờ cán bộ được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn và công tác quản lý, điều hành HTX”, ông Chức chia sẻ.
Đi đầu trong xây dựng thương hiệu
HTX Sản xuất và dịch vụ Quảng Hồng (xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn), được xem là một ví dụ điển hình của nhóm HTX nông nghiệp hàng đầu trong việc tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương. Có được kết quả đáng khích lệ này là do công tác cán bộ được HTX đặc biệt quan tâm
Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, với mô hình nuôi ong lấy mật, trước đây, việc sản xuất của các hộ thành viên HTX mang tính riêng lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường.
Thành viên HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng chăm sóc đàn ong mật. |
Để nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2018, HTX đã đăng ký và xây dựng thương hiệu “Mật ong hương rừng Xứ Lạng”, mỗi sản phẩm đều có tem, mã vạch riêng truy xuất nguồn gốc, được cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm của HTX đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự vươn lên của các thành viên, HTX đã thực sự chú trọng công tác thu hút, đào tạo, tập huấn cán bộ và người lao động cũng như thành viên.
“Đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ đã tích cực tư vấn để HTX hoạt động hiệu quả hơn như hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm một cách bài bản, khoa học, từ đó giúp thành viên không còn nuôi theo hướng truyền thống tự phát, đồng thời họ rất năng động, nhiệt huyết trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Cương cho biết.
Nhờ đó, mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng được đẩy mạnh phát triển với khoảng 400 đàn ong (tăng 150 đàn so với năm 2017), sản lượng mật mỗi năm đạt khoảng hơn 2.000 lít. Với giá bán mật ong trên thị trường hiện là 250.000 – 300.000 đồng/ lít, doanh thu của HTX đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, việc phát triển kinh tế theo mô hình HTX, có sự tham gia của cán bộ được đào tạo, có trình độ, năng lực không chỉ góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm mà còn khẳng định vai trò của HTX trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động, thành viên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn.
Phạm Duy
Bài cuối: Để HTX phát triển bền vững