Cooperatives | Thứ hai, 11/3/2024 | 10:46 GMT+7
0 |

Nữ thủ lĩnh HTX và sứ mệnh đặc biệt 'giữ vườn xanh cho làng'

Năm 2017, sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, Khánh Duyên bỏ phố về làng, xin làm công nhân cho một nhà máy ở quê. Suốt gần 1 năm trời, cứ nửa ngày Duyên làm ở công ty, nửa ngày về làm vườn, khu vườn đầu tiên của HTX Nông dược Gotafarm.

Khánh Duyên là tên thường gọi của chị Bùi Thị Duyên, nữ thuyền trưởng của HTX Nông Dược Gotafarm, đồng thời là người sáng lập dự án nông nghiệp xanh ở Thụy Văn (Thái Thụy, Thái Bình), hướng tới mục tiêu “giữ vườn cho làng”, với khẩu hiệu “Got a Farm, Not cement” (Một khu vườn, không bê tông).

HTX Nông Dược Gotafarm được thành lập vào năm 2021, với tiền thân là Tổ hợp tác Gồ Trại hoạt động từ năm 2018. Khi đó, Khánh Duyên vừa từ bỏ giấc mơ thị thành để trở về quê hương, mang theo khát khao khởi nghiệp trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”.

Nhớ lại những ngày đầu bỏ phố về làng, Khánh Duyên chia sẻ sau gần 10 năm bôn ba, làm đủ nghề, trải qua đủ đắng cay ngọt bùi, chị những mong khi trở về có thể sống giữa không gian làng quê chân chất yên bình, với những cánh đồng thẳng cánh có bay, xanh ngát bao la.

Tuy nhiên, thực tế vượt ngoài sức tưởng tượng của Duyên, trong tiến trình đô thị hóa, làng quê yên bình đã dần được bê tông hóa, những mảnh vườn xanh dần bị thu hẹp. Những người trẻ ở quê, phần lớn, lần lượt ra đi để tìm chân trời mới rộng lớn hơn, nhiệm màu hơn.

Trước thực tế đó, đã có lúc Khánh Duyên từng nghĩ rằng mình sẽ lại ra đi, nhưng rồi những khát khao khởi nghiệp với nông nghiệp sạch đã giữ chị ở lại quê hương.

Duyên kể, khi đó chị vừa trải qua lần thứ 2 thất bại với dự án khởi nghiệp của mình, bế em bé chưa đầy tuổi về quê và thất nghiệp. Để kiếm sống, chị nộp đơn xin việc vào công ty Maxport, họ không nhận, vì khi có con nhỏ thì nhân sự không đóng góp nhiệt huyết được cho công ty.

Sau lần đầu xin việc bất thành, chị tiếp tục ứng tuyển vào Yazaki, một doanh nghiệp của người Nhật Bản để làm công nhân sản xuất dây điện.

Chị Khánh Duyên và Gotafarm đang theo đuổi con đường nông nghiệp tử tế, thuận tự nhiên.

“Nhận công việc này, mục đích kiếm tiền không phải là mục tiêu cao nhất, mà mình xác định mục đích là sẽ ở lại công ty này cho đến khi nào mình học được chút gì đó cách người Nhật quản lý sản xuất trong nhà máy của họ, dự kiến là 6 tháng”, chị Duyên chia sẻ.

Dự kiến là thế, nhưng cuối cùng Khánh Duyên đã ở lại công ty gần 12 tháng. Hàng ngày đi làm, có hai thứ chị quan sát nhiều nhất: một là những cuộn dây điện, hai là những người bạn cùng dây chuyền sản xuất chuyên mặc áo màu cam.

Khoảng thời gian làm việc cho người Nhật cũng là sự khởi phát cho “câu chuyện về chiếc áo màu cam” của vị nữ thuyền thưởng HTX Gotafarm. Chiếc áo cam, vốn là đồng phục của công ty, có màu sắc rất nóng, nhưng theo Khánh Duyên, mặc lên lại rất mát.

Sở dĩ chiến áo màu cam truyền cảm hứng lớn cho Khánh Duyên là bởi đây là khoảng thời gian có nhiều ý nghĩa với chị. Không chỉ vì những bài học về quản lý sản xuất mà còn vì chị đã trực tiếp làm công nhân nhà máy, để có thể hiểu hơn về tâm lý của nhân sự lao động.

Việc đã từng ở một vị trí làm việc không còn có thể thấp hơn nữa, mà về sau, chị dễ dàng thấu cảm và chia sẻ với nhân sự của mình trong HTX.

“Màu cam cũng là biểu trưng cho sự vui vẻ và nhiệt tình, rất gần với tính cách của mình. Trong 5 năm qua, từ đi làm vườn, đi hội chợ bán hàng, đi hội thảo, đi học, thậm chí lên sân khấu nhận giải thưởng thi khởi nghiệp mình cũng mặc. Mặc nhiều quen mắt đến nỗi có bạn gọi mình là Cô Gái Áo Cam”, Duyên cười bộc bạch.

Những cảm hứng từ thời gian khoác trên mình chiếc áo màu cam đã truyền động lực để Khánh Duyên xây dựng nên những mảnh vườn xanh sau này. Suốt gần 1 năm làm việc ở công ty, cứ hôm nào làm ca kíp thì nửa ngày chị đi công ty bê dây điện, nửa ngày về làm vườn.

Năm 2018, sau gần 1 năm tích lũy kinh nghiệm, Duyên xin nghỉ làm ở công ty, chính thức bước vào hành trình thực hiện dự án “giữ vườn trong làng” trông bối cảnh “bê tông hóa” nhanh chóng. Từ đây, Tổ hợp tác Gồ Trại được thành lập.

Gồ Trại là tập hợp của Duyên và 1 nhóm người trẻ địa phương có cùng chí hướng, quyết tâm liên kết những mảnh vườn cuối cùng còn sót lại và tạo thành mạng lưới vườn trong làng. Gotafarm sau này cũng mang ý nghĩa là được sống giữa mảnh vườn xanh, với khẩu hiệu “Got a Farm, Not cement” (Một khu vườn, không bê tông).

Hướng đến những giá trị bền vững, những thành viên của Tổ hợp tác Gồ Trại trước đó, hay HTX Nông Dược Gotafarm sau này, đã chủ động chuyển đổi phương thức canh tác hóa chất sang canh tác định hướng hữu cơ sinh thái, thuận tự nhiên.

HTX cũng đẩy mạnh “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các hộ liên kết, nông dân trong và ngoài địa phương tiến hành phân loại và xử lý rác thải tại gia đình - biến rác thải hữu cơ thành nguồn phân bón tại chỗ, giá rẻ, giảm gánh nặng môi trường, đồng thời hỗ trợ đầu ra cho các vườn trong mạng lưới.

Những thay đổi về tư duy sản xuất đã giúp HTX Nông Dược Gotafarm gặt hái được những thành công ban đầu, đồng thời tạo tiếng vang lớn, trở thành điểm tựa hỗ trợ người dân địa phương làm giàu bền vững từ chính mảnh vườn của họ.

Đặc biệt, phương thức sản xuất thuận tự nhiên cũng là nền tảng để chị Khánh Duyên cùng HTX của mình giữ vững mục tiêu ban đầu là “giữ vườn cho làng”, giữ những "khoảng thở", xây dựng một cuộc sống xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn.

Từ một mô hình nhỏ, đến nay, Gotafarm có hệ thống 3.000 khách hàng và đại lý trên toàn quốc, hệ thống 10 nhà vườn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, nhà xưởng nhỏ cơ bản có tiêu chuẩn quản lý vận hành theo ISO 9001:2015.

Hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao chế biến 15 thảo dược như: bạc hà, hoa cúc cổ, lạc đỏ, đinh lăng, ngải cứu... Hiện, nhiều khâu trong quá trình vận hành HTX đã được số hóa, đặc biệt là kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm của HTX được bán trên website, facebook và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, sàn thương mại điện tử Thái Bình. Qua các kênh này, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của HTX hơn. Chị Duyên cũng nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ là hướng đi bền vững cho HTX trong thời gian tới.

Nói về hoạt động của HTX, người sáng lập Gotafarm, cho hay mục tiêu của đơn vị không chỉ là lợi nhuận mà quan trọng nhất là nỗ lực mang lại giá trị cho cộng đồng và môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn và đạo đức kinh doanh. Đồng thời tạo ra cơ hội phát triển cho các cộng sự, đối tác, nhà vườn.

“Niềm vui lớn nhất của chúng tôi hiện tại là được sống và làm việc trên mảnh đất bình yên quê nhà, đồng thời lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp tử tế, tăng cường sinh kế cho người dân địa phương từ chính mảnh vườn xanh của mình”, nữ thuyền trưởng HTX sinh năm 1988 chia sẻ.

Gotafarm đang là địa chỉ du lịch trải nghiệm của nhiều du khách, học sinh địa phương.

Mỹ Chí

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu