Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 24/9, Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 của Bộ KH&ĐT mở đầu bằng nhận định: năm 2018, nền kinh tế nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.
Tăng trưởng vẫn phụ thuộc vốn
Đánh giá kết quả đã đạt được, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), cho biết tình hình KT-XH năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.
Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện; Mô hình tăng trưởng dịch chuyển dần sang chiều sâu; Chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%…
Tuy vậy, theo ông Phương, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện ba đột phá (cải cách thể chế; công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; kết cấu hạ tầng) trong chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 và cơ cấu lại nền kinh tế chưa triệt để, tiến độ thực hiện nhìn chung còn chậm; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khó khăn về nguồn lực, nguồn nhân lực. Mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ. Xuất nhập khẩu dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai.
Trong bối cảnh sức ép về lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước.
Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập…, mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài nhưng đồng thời cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.
Đặc biệt, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và sự nổi lên của một số thị trường như Myanmar, Indonesia…, dòng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới.
Do đó, các ngành, các cấp cần tập trung, tăng cường công tác đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động hiệu quả.
Tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7% |
Địa phương "kể khó"
Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để rà soát, phân loại các dự án FDI, quá trình cấp phép và quản lý dự án FDI của các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép.
"Nâng cao hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, có chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Thường xuyên rà soát để đồng bộ hóa luật pháp. Đồng thời, tăng cường năng lực của bộ máy cơ quan quản lý", Bộ KH&ĐT yêu cầu.
Cũng tại hội nghị này, các địa phương đã nêu ra nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề nông sản (thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá), triển khai Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (Luật về PPP)…
Cụ thể, đại diện tỉnh Gia Lai cho biết hiện nay, đời sống người dân trong tỉnh rất khó khăn do giá nông sản liên tục giảm sâu. Giá hồ tiêu và cao su (hai cây trồng chủ lực của tỉnh) đều rớt giá.
"Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang xảy ra tình trạng cây trồng nào có giá bán cao thì người dân ồ ạt trồng, cây nào giá thấp sẽ chặt bỏ không tiếc tay", đại diện tỉnh Gia Lai cho biết.
Trước thực trạng này, tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm có quỹ bình ổn giá nông sản và có cơ chế bảo hiểm cho hàng nông sản để nông dân không phải bất an với tình cảnh được mùa giá như hiện nay.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT Tp.HCM, cho biết Tp.HCM đã bố trí vốn đầu tư công 135.000 tỷ đồng và thông qua kế hoạch huy động thêm 171.000 tỷ đồng. Một trong các kênh huy động là phương thức đối tác công-tư (PPP).
Hiện nay, Tp.HCM muốn giao sớm đất cho nhà đầu tư ở dự án đổi đất lấy hạ tầng theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT). Tuy nhiên, bài toán khó khăn nhất với địa phương trong các dự án BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư, cụ thể như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất. Vấn đề này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, vì vậy địa phương không áp dụng được, từ đó ảnh hưởng đến các dự án thực hiện theo phương thức này.
"Bài toán khó nhất là làm sao việc chuyển đổi lấy đất để làm BT phù hợp với cơ chế Nhà nước giao đất, doanh nghiệp thuận lợi làm ăn và không vi phạm pháp luật", ông Anh chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo Tp.HCM cũng cho biết Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng có nhiều vấn đề đặt ra làm khó cho địa phương trong thực hiện.
Cụ thể, Luật yêu cầu quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố phải phù hợp với quy hoạch của cả nước trong khi bản thân các quy hoạch trên cả nước vẫn chưa được hoàn thiện hết.
Như vậy, "địa phương chờ khi nào Trung ương xong quy hoạch thì mới thực hiện hay thực hiện song song", ông Anh nêu vấn đề.
Về việc hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn quan ngại về điều kiện hạ tầng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng, cải thiện nhanh chóng tiến độ các dự án để cải thiện hạ tầng.
Lê Thúy
Ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT Tp.HCM Những ngành kinh doanh như karaoke, massage…, pháp luật không cấm nhưng vẫn chưa có quy hoạch để cơ quan chức năng quản lý. Ngoài ra, bộ cũng chưa có hướng dẫn về quản lý, cấp phép kinh doanh. Các ngành liên quan như văn hóa, y tế có hướng dẫn, hàng rào gì không. Đây là một vấn đề lớn của quản lý nhà nước cần được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn kinh doanh. Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hiện nay, việc thanh toán bằng đất cho các dự án BT đang bị dừng lại, Bộ KH&ĐT cần tìm cách tháo gỡ, bởi vì dừng ngày nào, các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Trong khi đó, chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Các bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ vướng mắc, đồng hành với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thể chế tốt mà thực hiện chậm thì cũng vô nghĩa. Những bất cập liên quan tới chính sách, các bộ, ngành chịu trách nhiệm chỉnh sửa, tháo gỡ. Những vấn đề thuộc tổ chức ở các địa phương cũng cần phải nhanh chóng khắc phục. |