Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2018 ước đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng |
Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2, số liệu Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) công bố cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất trong quý 2 tăng cao 12,7%.
Ngoài ra, một số ngành khác như dịch vụ, du lịch, nông lâm ngư nghiệp cũng có mức tăng trưởng cao.
Chẳng hạn, khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực ở mức 6,9% trong hai quý đầu năm, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức cao nhất trong 7 năm với mức tăng 3,93%.
Nông nghiệp tiếp tục có sự phục hồi khá rõ nét. Những thuận lợi về thời tiết và giá cả thị trường cũng mang lại mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua cho ngành thuỷ sản.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng nửa đầu năm 2018 có mức tăng trưởng tích cực 9,07%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự cải thiện tích cực trong Quý 2. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2011. Chỉ số tiêu thụ cũng duy trì mức tăng cao, đạt 11,9%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho tuy có sự cải thiện so với Quý 1 nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước, ở mức 11,4%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2018 ước đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về những con số tăng trưởng ấn tượng ở nhiều lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm. Chuyên gia Thế Anh cho rằng, bức tranh đẹp của 6 tháng đầu năm là nhờ quý 1 chứ không phải quý 2. Hiện nay, nếu chúng ta nhìn vào con số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 5%. Đặc biệt những mặt hàng có xu hướng tăng giá mạnh là thực phẩm, vận tải… thì nguy cơ vượt mục tiêu kiềm soát lạm phát đang hiện hữu. “Nếu thâm hụt ngân sách, chính phủ sẽ nghĩ ra những sắc thuế mới hoặc tăng thuế, điều này sẽ tác động mạnh đến đời sống người dân”, ông Thế Anh nói.
Ngoài ra, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, rủi ro là hiện hữu khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, chiến tranh thương mại nổ ra, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam vẫn đang theo đuổi tham vọng tăng trưởng cao, do đó khó có khả năng thắt chặt tiền tệ.
“Tôi nghĩ rằng kinh tế Việt Nam quý nào chúng ta cũng nhận diện được rủi ro, chưa khi nào có sự an tâm, lạc quan vào tương lai. Trong đó có vấn đề tài khóa chưa lúc nào có thể yên tâm được”, ông Thế Anh cho hay.
Hoàng Hà