Việt Nam được nhận định đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá cố định) trung bình hàng năm khoảng 6,5% trong giai đoạn 1986 - 2023, thuộc hàng cao nhất khu vực. Năm 2023, GDP bình quân đầu người thực tế tăng gần 45 lần so với năm 1986 (96 USD), đạt khoảng 4.400 USD.
Với những thành tựu trên, Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước năm 2030, đạt thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, thành công trong quá khứ không phải lúc nào cũng đảm bảo cho thành công của tương lai. Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”.
Công nhân trong nhà máy xe điện của Vinfast tại Hải Phòng. |
Gian nan mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045
Tại tọa đàm "Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi – Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam" diễn ra mới đây, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: "Hội nhập thương mại toàn cầu đã mang lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tốc độ tăng trưởng cao hơn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện trong cải cách chính sách, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nắm bắt các cơ hội từ bối cảnh toàn cầu đang biến đổi...".
Đó cũng là nhận định của bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, trong bài viết xuất bản đầu tháng này. Bà Ramla Khalidi chỉ ra Việt Nam đang trên lộ trình đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, tuy nhiên, mục tiêu đạt quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 sẽ là thách thức lớn hơn.
Theo bà, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng ít nhất 6% liên tục trong hai thập kỷ tới. Dựa vào những thành tích đã được trong quá khứ và điều này nằm trong khả năng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi các quốc gia trở nên giàu có hơn thì tốc độ tăng trưởng thường chậm lại. Các quốc gia với thu nhập thấp có thể tăng trưởng nhanh chóng khi thay thế công nghệ truyền thống bằng các phương pháp sản xuất hiện đại, thường được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng những cơ hội này thường ít dần đối với các quốc gia có thu nhập trung bình.
"Nếu nhìn vào xu hướng tăng trưởng của Indonesia, Malaysia và Thái Lan, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng của họ đã chậm lại từ những năm 1990, ngay cả khi không tính các năm đại dịch COVID-19 (2020 - 2021)”, vị chuyên gia dẫn chứng.
Thách thức trong tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao thông qua việc hội nhập sâu vào mạng lưới sản xuất Đông Á, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chế tạo kể từ năm 2000, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất trong khu vực, đạt mức tăng trung bình hàng năm 15% theo giá trị USD, nhanh hơn tốc độ của Trung Quốc (12%) và hơn gấp đôi so với Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu 2000 - 2022 cho thấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong xuất khẩu sản phẩm chế tạo, đặc biệt là sau năm 2010. |
“Liệu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm chế tạo cao như vậy để thúc đẩy tăng trưởng trong hai thập kỷ tới hay không? Câu trả lời trung hạn là “có”. Tuy nhiên, câu trả lời mang tính dài hạn sẽ phức tạp hơn”, bà Ramla Khalidi băn khoăn.
Theo vị chuyên gia, mô hình phát triển hiện tại sẽ không đủ để duy trì tăng trưởng sau năm 2030. Nguyên nhân thứ nhất là ngành sản xuất tập trung nhiều vào các hoạt động lắp ráp đòi hỏi lao động phổ thông, có giá trị gia tăng thấp. Thứ hai, tự động hóa các hoạt động lắp ráp có thể làm giảm động lực của các nhà sản xuất khi cân nhắc chuyển đến Việt Nam. Thứ ba, trong bối cảnh nhận thức chung về những tác động môi trường do sản xuất ngày càng gia tăng, mối liên hệ giữa lượng phát thải carbon và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế sẽ ngày càng đan xen chặt chẽ. Thứ tư, các công ty Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Về vấn đề này, bà Manuela V. Ferro cũng cho rằng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó, tồn tại các vấn đề như thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, sự liên kết yếu giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, cùng vấn đề phát thải carbon cao trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Việt Nam cần làm gì?
Theo bà Ramla Khalidi, với các chính sách hướng về tương lai và nền kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam đang ở vị thế phù hợp để tạo bước chuyển biến mang tính lịch sử và trở thành quốc gia có thu nhập cao chỉ trong một thế hệ.
Để làm được điều này, Việt Nam không thể tiếp tục chỉ dựa vào các hoạt động đòi hỏi lao động phổ thông trong thời gian tới. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, Việt Nam sẽ cần học cách cạnh tranh trong các phân khúc công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn và các ngành dịch vụ liên quan.
Kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á đã thành công cho thấy, phát triển năng lực công nghệ quốc gia là một yếu tố then chốt. Hiện tại, chi tiêu công cho giáo dục đại học và nghiên cứu tại Việt Nam vẫn còn thấp. Vị chuyên gia cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học để tăng cường liên kết giữa chính sách, nghiên cứu và cơ hội thị trường. Việt Nam có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp, nếu thực hiện các chính sách định hướng tương lai và thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chủ thể nếu trên.
Còn PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, một tương lai thu nhập cao sẽ đòi hỏi những thay đổi có tính đột phá, hoặc thậm chí mang tính bước ngoặt trong cải cách chính sách và thể chế của Việt Nam trong những năm tới, bao gồm cả những thay đổi để đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách.
Phát triển nhân lực chất lượng cao cũng là “chìa khoá” được bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhắc tới. Theo bà, để có thể vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam cần có sự thay đổi về quỹ đạo phát triển, tăng trưởng với những cải cách rộng lớn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường hơn nữa năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, ưu tiên giáo dục và phát triển kỹ năng để tạo ra một lực lượng lao động thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển dịch công nghiệp giá trị thấp sang giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đỗ Kiều