Tại Tọa đàm khoa học: Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội – Quốc gia (NCIF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,83%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và quý IV đạt 6,56%.
Lực đẩy giảm sút
Ts. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và dự báo (NCIF), cho biết 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Đặc biệt, trong quý I, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây là 7,45%, nhờ sự đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI, điển hình là Samsung và Fomosa.
Tuy nhiên, đến quý II, đã có nhiều yếu tố tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế như chính sách lãi suất của Mỹ, chiến tranh thương mại, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chững lại ở mức 6,79%.
Ông Đặng Đức Anh nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2018, những thách thức trên vẫn còn tiếp diễn và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, mặc dù tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nhưng tác động gián tiếp lại khá rõ rệt.
Chẳng hạn, tác động của đồng USD tăng giá khiến tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng, minh chứng rõ nhất là trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán bán ròng khá nhiều, nhưng xu thế hút vốn chưa rõ nét.
“Nếu trong thời gian tới có những tác động mạnh mẽ đến thị trường thì nguy cơ rút vốn của nhà đầu tư sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Đặng Đức Anh nhận định.
Bên cạnh sức ép vào nền kinh tế vĩ mô lớn hơn do yếu tố tác động bên ngoài khiến lạm phát, tỷ giá có nguy cơ tăng, nhiều yếu tố trong nước như giá dịch vụ công, giá lương thực, giao thông… tăng cũng đang đè nặng lên lực đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Ts. Đặng Đức Anh cho hay, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh việc kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp như không tăng giá điện, không tăng thuế VAT, thuế môi trường, tỷ giá điều chỉnh khoảng 2%… nhằm giữ ổn định lạm phát ở mức 4%.
“Lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát song đang chịu áp lực lớn. Điều này đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu”, ông Anh nhận định.
Đưa ra những nhận định còn nhiều khó khăn tác động lên sức tăng trưởng của nền kinh tế, song NCIF vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,83%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Lạm phát bình quân trong năm 2018 dao động trong khoảng 4%.
Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn
Theo phân tích của Ts. Đặng Đức Anh, sang quý III, xu hướng tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu sụt giảm do động lực mất đi.
Cụ thể, hiệu quả của việc cải cách thể chế từ đầu năm đến nay chưa rõ nét. Chưa có đánh giá cụ thể định lượng liệu chủ trương chính sách từ đầu năm đến nay đã đóng góp cho tăng trưởng được bao nhiêu. Tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn.
Ngoài ra, những ngành là thế mạnh đóng góp lớn cho sức tăng trưởng nền kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu là hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Lực đẩy từ khu vực FDI mất dần, không có động lực mới bổ sung, đầu tư FDI đang có dấu hiệu giảm sút.
Vì vậy, NCIF dự báo, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và quý IV tiếp tục giảm xuống còn 6,56%.
Để giữ được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường năng lực công nghệ để thu hút DN FDI, đặc biệt là các DN đến từ Mỹ.
Đồng thời, áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng hiện tượng thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ cũng như những tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung; chủ động đối phó với biến động về tỷ giá.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung hơn nữa cho xuất khẩu để tìm thị trường.
“Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, cần tránh không để cho hàng hóa Trung Quốc thông qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không làm tốt việc này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc”, Ts. Lưu Bích Hồ khuyến cáo.
Thanh Hoa