Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề "Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam" diễn ra ngày 20/9, hầu hết các chuyên gia khẳng định những nước đi sau như Việt Nam chú trọng phát triển nhanh là cần thiết, để đuổi kịp các nước đi trước, nhưng phải luôn đảm bảo yếu tố bền vững chứ không thể hy sinh nhiều nguồn lực để đẩy tăng trưởng lên 7% thì giá phải trả quá lớn.
Thách thức lớn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tái cơ cấu tài chính công đã mang lại những kết quả tích cực như: cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, trọng tâm là thuế và hải quan. Ban hành, sửa đổi một số điều luật quan trọng giúp tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế, nhờ đó tăng thu thêm 300 triệu USD và quan trọng hơn là giảm lỗ 2,2 tỷ USD từ việc quản lý thuế với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ 21-22% đến nay đã đạt được 26-27% |
Ngoài ra, thu nội địa chiếm 82% tổng thu ngân sách, cùng với đó tăng được tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ 21-22% đến nay đã đạt được 26-27%, bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016...
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vẫn còn nhiều thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công của Việt Nam hướng đến một nền tài chính công phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Các chuyên gia khẳng định, mặc dù tỷ lệ động viên ngân sách đạt 23,5% GDP, nhưng thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, nhiều địa phương còn quá phụ thuộc vào việc bán tài sản công và bán quyền sử dụng đất; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngân sách đã có chuyển biến tích cực nhưng chi thường xuyên còn quá cao, trong khi chi đầu tư phát triển có chiều hướng giảm. Nợ công hiện ở mức khoảng hơn 61% GDP, nợ nước ngoài dưới 50%. Nhiều khoản nợ nghĩa vụ dự phòng rủi ro tỷ giá từ phần vốn nhà nước tại DN hoặc bảo lãnh nhà nước tại DN còn đáng quan ngại.
Trong khi đó, thị trường tài chính chưa thực sự phát triển, dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện ở mức quá cao.
Tỷ lệ giảm nghèo bền vững vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đặt ra khi tỷ lệ nghèo đang ở mức 6,7%.
Mâu thuẫn đan xen
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ luôn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển kinh tế nhanh, toàn diện nhưng phải đảm bảo yếu tố bền vững, tuy nhiên, thực tế vẫn còn sự mâu thuẫn đan xen giữa các mục tiêu nhanh, toàn diện và bền vững.
Theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT), mức tăng trưởng từ 6,5-7% của Việt Nam trong vài năm qua có thể được xếp vào nhóm các nước dẫn đầu tăng trưởng nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, với các nước phát triển tăng trưởng 1% còn lớn hơn nhiều so với 10% của nước kém phát triển hơn.
“Toàn bộ chính sách của quốc gia muốn tăng trưởng nhanh phụ thuộc vào việc dịch chuyển về đường tiềm năng sản xuất, thậm chí không chỉ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên trong nước mà còn cả nguồn huy động được từ bên ngoài”, ông Thắng nói.
Theo Ts. Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn, giúp Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng nhanh là trên 7%. Tuy nhiên, nếu lơi là những yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững, Việt Nam sẽ phải trả giá cho câu chuyện tăng trưởng cao.
Lấy kinh nghiệm thực tiễn từ Trung Quốc làm bài học cho Việt Nam, ông Ánh nói: “Suốt một thời gian dài, Trung Quốc tăng trưởng quá nóng và đang phải trả giá đắt như tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỷ lệ chênh lệch giữa người giàu và người nghèo cao. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bền vững thì không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế".
Đồng tình quan điểm này, ông Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề về thuế và quản lý tài chính trong chuyển đổi nền kinh tế xanh. Vì vậy, cần phải giải quyết những thách thức, đảm bảo mục tiêu tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thanh Hoa