Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, cho biết cách đây 10 năm, trung bình chi phí chăn nuôi một kg gà thịt ở Thái Lan rẻ hơn Việt Nam gần 25 – 30%. Chi phí cho một kg lợn thịt hay một quả trứng gà cũng tương tự.
Nhưng đến nay, có những trang trại chăn nuôi lớn ở Việt Nam làm theo chuỗi cung ứng, đã áp dụng những công nghệ cao và mới, có sản phẩm thịt đạt chất lượng tốt, tín hiệu đáng mừng là chi phí cho ngành chăn nuôi đã có thể thấp hơn Thái Lan.
Giải bài toán chi phí
"Đây là hướng phát triển đúng và tốt nhất, đảm bảo được sản phẩm thịt sạch. Để cạnh tranh trên thị trường thế giới phải giảm được giá thành. Vì vậy, muốn cải thiện hay muốn tiếp tục phát triển và hướng đến xuất khẩu (XK) sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các chuỗi cung ứng, giảm khâu trung gian", ông Gabor Fluit nói.
Thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của chuỗi cung ứng để XK các lô thịt gà của Việt Nam sang Nhật Bản mà Tập đoàn De Hues (Hà Lan) tham gia vào việc cung cấp thức ăn, công ty Bel Gà (Bỉ) cung cấp giống. Còn Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) thực hiện chăn nuôi đàn trong các trang trại đạt chuẩn GlobalGAP; công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và XK sang Nhật Bản.
Trong vấn đề áp dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng, ông Đặng Hữu Phách, Tổng Giám đốc CTCP Viet Avis (đang sở hữu nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm ở Thanh Hóa với dây chuyền giết mổ tự động, công suất chế biến đạt 2.500 con/giờ, đủ tiêu chuẩn XK sang EU), cho biết mục tiêu là xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi gà công nghệ cao 4A (an toàn đầu tư, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường) tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Phách kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan quản lý xác nhận chuỗi liên kết chăn nuôi gà 4A là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để các đơn vị tham gia trong chuỗi được hưởng cơ chế chính sách của dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Điều này xuất phát từ việc khi đi tìm kiếm các thông tin để xác nhận gặp nhiều khó khăn, dù cho những sản phẩm liên quan chuồng trại chăn nuôi gà có chất lượng rất tốt.
Để giải bài toán phí tổn ngành chăn nuôi hay những lĩnh vực khác trong nông nghiệp, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Lina Network (đơn vị hợp tác chính thức của Viện Nghiên cứu blockchain miền Nam), cho biết tại Việt Nam hiện nay, các công ty thực phẩm, các công ty nông nghiệp chính là những đối tượng rất cần phải đầu tư vào công nghệ quản trị chuỗi cung ứng.
"Không những vậy, điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu quan tâm nhất của khách hàng về thông tin sản phẩm như minh bạch, bất biến, mọi lúc mọi nơi, chuẩn hóa và an toàn", ông Ca nhấn mạnh.
Đơn cử như chuỗi cung ứng thủy sản, theo ông Ca, vì không tuân thủ tốt nên đã nhiều lần xảy ra chuyện tiêu cực và vẫn tiếp tục diễn ra do thiếu một hệ thống minh bạch. Chuỗi cung ứng thủy sản hiện tại có các quy trình tẻ nhạt, như giữ hồ sơ thủ công, khiến dễ bị lỗi hơn.
Chi phí sản xuất trứng sẽ giảm khoảng 25 – 30% nhờ công nghệ quản lý chuỗi cung ứng |
Vẫn chờ công nghệ
Các vấn đề khác dẫn đến việc chuỗi cung ứng thủy sản không hiệu quả là điều kiện bảo quản thực phẩm không đúng, gian lận sai lệch và tỷ lệ thực hành không được kiểm soát.
Vì vậy, chất lượng và an toàn của thực phẩm thủy sản khi đưa tới khách hàng cuối đã bị tổn hại, từ đó đe dọa đến an ninh kinh tế của ngành thủy sản Việt. Hơn nữa, vì có nhiều loại gian lận khác nhau liên quan đến chuỗi, sự tin tưởng giữa khách hàng và nhà cung cấp sẽ dần mất đi.
Hay như việc quản lý chuỗi cung ứng cà phê Việt hiện nay được cho là còn bất cập khi sản xuất cà phê bị phân mảnh vì thường được trồng ở những địa điểm xa xôi. Chưa kể các yếu tố như biến động giá, biến đổi khí hậu.
Vì vậy, giới chuyên gia khuyến nghị đến lúc cần quản lý chuỗi cung ứng thủy sản và cà phê dựa trên công nghệ blockchain để mang lại tính minh bạch và hiệu quả cho hệ thống.
"Điều này vừa mang lại năng suất cao hơn cùng với các giao dịch công bằng cho người sản xuất và tính minh bạch khi hệ thống đảm bảo thanh toán trực tiếp cho nông dân khi sản phẩm của họ được bán. Mặt khác, khách hàng cuối luôn có thể xem dữ liệu và theo dõi nguồn gốc cà phê của họ", ông Vũ Trường Ca cho biết.
Theo một khảo sát các công ty cung ứng được thực hiện bởi APQC và Viện chuỗi cung ứng kỹ thuật số (DSCI), việc giảm chi phí là lợi ích cao nhất khi áp dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng. Việc này có thể được áp dụng cho nhiều thách thức trong chuỗi cung ứng, như lưu trữ hồ sơ phức tạp và theo dõi sản phẩm.
Khi được áp dụng công nghệ để tăng tốc quá trình hành chính trong chuỗi cung ứng thì chi phí phụ sẽ tự động giảm. Việc loại bỏ các trung gian trong chuỗi cung ứng sẽ tiết kiệm được các rủi ro của gian lận, trùng lắp sản phẩm và tiết kiệm tiền cho các DN làm nông nghiệp ở Việt Nam.
Thế Vinh