Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, HTX Dịch vụ, sản xuất và chế biến Đồng Hiệp là đơn vị điển hình phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm thịt sạch. HTX đã và đang vận động các trang trại chăn nuôi trong tỉnh cùng tham gia mở rộng HTX để xúc tiến chuỗi sản phẩm an toàn. Cụ thể là thành lập mô hình thí điểm (chi nhánh HTX – điểm trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn – bình ổn giá).
Chuyển biến theo chuỗi
Theo ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc HTX Đồng Hiệp, chuỗi cung ứng an toàn của HTX bước đầu kiểm soát được đầu vào (từ các trang trại có chứng nhận VietGAP), làm tốt quy trình giết mổ, sơ chế; chặt chẽ quá trình bảo quản, vận chuyển tuân thủ vệ sinh thú y, hạn chế vấy nhiễm vi sinh vật và đẩy mạnh khâu giới thiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt.
Hiện có khoảng 12 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó có 4 chuỗi trứng gà, 3 chuỗi thịt gà, 3 chuỗi công ty TNHH chế biến thực phẩm và 2 chuỗi thịt lợn an toàn thực phẩm tại hai huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú.
Tại hội thảo về liên kết chuỗi chăn nuôi an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức ở Tp.HCM ngày 18/10, ông Nguyễn Trí Công chia sẻ với việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các trang trại chăn nuôi được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và các quyền lợi trước những biến động của thị trường.
Còn theo Ts. Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi, việc hợp tác, liên kết chuỗi thực phẩm an toàn thông qua hợp đồng giữa nhà chăn nuôi, nhà giết mổ và nhà bán lẻ sẽ phát triển mạnh trong 10 năm tới, trong đó các HTX đóng vai trò quan trọng.
Cho rằng số lượng trang trại chăn nuôi sẽ tăng lên, Ts. Võ Trọng Thành dự báo sản lượng chăn nuôi từ trang trại sẽ chiếm khoảng 70 – 75% tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi.
Trong khi đó, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ sẽ giảm mạnh (giảm 5 – 7%/năm), đến năm 2028, sản lượng từ nông hộ chỉ còn dưới 30%. Khi đó, chăn nuôi chủ yếu sẽ là cuộc chơi của những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp.
Chuyên gia của Cục Chăn nuôi khẳng định việc phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm thịt từ sản xuất đến thị trường sẽ là chìa khóa để phát triển nhanh và bền vững ngành chăn nuôi trong 10 năm tới.
Hiện nay, ở trong nước cũng đã và đang hình thành liên kết sản xuất – cung ứng sản phẩm thịt. Ở chuỗi liên kết doanh nghiệp (DN) – nông dân chăn nuôi có kể đến các mô hình của CP, Jafa, Dabaco, Emivest…
Các DN này bao tiêu giống, thức ăn, thuốc thú y kèm hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, sau đó mua lại sản phẩm chăn nuôi là gà thịt, lợn thịt xuất chuồng.
Muốn xuất khẩu sản phẩm thịt cần xây dựng chuỗi liên kết |
Còn nhiều việc phải làm
Hay như mô hình chuỗi Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Phạm Tôn, San Hà (Tp.HCM), Vĩnh Thành Đạt, chuỗi gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội)… Trong đó, DN hợp tác với nông dân sản xuất và cung ứng trứng gà, gà thịt (sau giết mổ) đạt chuẩn và có thể truy xuất nguồn gốc.
Còn ở chuỗi liên kết DN giết mổ – nông dân – đại lý phân phối thực phẩm nổi bật có mô hình chuỗi Vissan, VietGAP An Hạ (Tp. HCM), Anh Hòa Phát (Đồng Nai), Hải Thịnh (Bắc Giang), Vinh Anh (Hà Nội).
Ở các chuỗi này, DN giết mổ sẽ thu mua một phần hoặc toàn bộ lợn thịt của nông dân để giết mổ và phân phối ra thị trường (bán lẻ qua cửa hàng thực phẩm – siêu thị, bán cho khu công nghiệp, trường học…).
Hoặc gần đây là mô hình chuỗi giá trị liên kết xuất khẩu gà thịt giữa Hùng Nhơn – De Heus – Bel Gà và Koyu & Unitek. Trong đó, Bel Gà cung cấp giống, De Heus cung cấp thức ăn, còn công ty Hùng Nhơn là đại diện các trang trại chăn nuôi gà, Koyu & Unitek là phía thu mua, giết mổ và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo lưu ý của Ts. Võ Trọng Thành, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị vẫn còn yếu. Các liên kết giữa các khâu sản xuất – giết mổ, chế biến – phân phối còn ít và lỏng lẻo, nhất là việc sản xuất và thị trường chưa kết nối tốt. Ở khâu giết mổ – chế biến chưa quản lý và quy hoạch tốt. Tỷ trọng chế biến thấp, hầu hết mới ở giai đoạn đầu của quá trình.
Đại diện của CTCP Hùng Nhơn băn khoăn trước việc hình thành các chuỗi liên kết đã khó, nhưng để duy trì và đổi mới chuỗi liên kết còn khó khăn hơn. Muốn xuất khẩu sản phẩm thịt cần xây dựng chuỗi liên kết và giá thành chăn nuôi ít nhất phải bằng giá trong khu vực, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Để duy trì hợp tác liên kết chuỗi, đại diện công ty này nhấn mạnh hai điều kiện: Thứ nhất Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích DN, HTX triển khai liên kết chuỗi. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, phát triển khung thể chế mới về liên kết chuỗi giá trị hàng hóa cùng các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thứ hai, chính bản thân DN, các HTX và hộ chăn nuôi phải thay đổi tư duy, tích cực đổi mới, nắm bắt xu thế và đầu tư vào phát triển công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với mô hình hợp tác mới như hiệp hội sản xuất lợn, gà, bò an toàn…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh cần cơ chế tháo gỡ những khó khăn của DN trong việc phát triển liên kết chuỗi. Sự hợp tác, liên kết chuỗi của DN, hiệp hội và HTX trong các sản phẩm thịt không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà phải tiến ra thị trường nước ngoài. Để làm tốt khâu xuất khẩu sản phẩm thịt cần sự đồng hành của Nhà nước, người sản xuất, DN, HTX và các nhà khoa học.
Thế Vinh