Với 8 năm kinh nghiệm cung ứng sản phẩm phụ trợ, ông Đỗ Hoàng Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật Ý Tưởng – một doanh nghiệp (DN) thuần Việt, cho biết các sản phẩm robot công nghiệp như robot 3 trục, 6 trục, robot con nhện… do chính tay các kỹ sư Việt của công ty tự thiết kế sản xuất mới đây đã xuất khẩu được hai sản phẩm sang thị trường Nhật.
Nhu cầu lớn, đáp ứng thấp
"Xuất phát ban đầu của công ty là chuyên thiết kế cho DN Nhật, rồi chuyển sang sản xuất, làm tự động hóa và gần đây hướng đến Công nghiệp 4.0 như sản xuất các sản phẩm robot. Nhờ áp dụng công nghệ Nhật, gia công lắp ráp kỹ thuật theo tiêu chuẩn Nhật nên các sản phẩm trước đây của chúng tôi được thị trường Nhật chấp nhận", ông Trung chia sẻ.
Mặc dù vậy, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, vị giám đốc này thừa nhận số lượng sản phẩm mà công ty cung ứng thực tế vẫn chưa được nhiều. Trong khi đó, nhu cầu cung ứng sản phẩm phụ trợ của các DN Nhật tại Việt Nam và tại thị trường Nhật là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của các DN Việt còn rất thấp, từ giá thành cho đến kỹ thuật, cũng như sự cạnh tranh với các nhà nhập khẩu.
Theo ông Trung, như bản thân CTCP Kỹ thuật Ý Tưởng tới đây cũng phải tối ưu hóa các sản phẩm robot, giảm giá thành và làm sao hậu mãi tốt, tích hợp với hệ thống tự động hóa thì mới có thể đẩy mạnh bán cho các công ty Nhật.
Tại hội thảo công nghiệp phụ trợ với đối tác Nhật trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về công nghệ và giải pháp sản xuất – Metalex Vietnam 2018 diễn ra ở Tp.HCM cuối tuần qua, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, cho biết hơn một nửa trong khoảng 2.500 công ty Nhật ở Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất.
Tuy nhiên, hầu hết các DN này đều nhập khẩu các linh kiện và nguyên liệu từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc để lắp ráp tại Việt Nam và sau đó xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài.
Nguyên nhân là do các DN Nhật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp lý tưởng tại Việt Nam. Như hồi năm ngoái, tỷ lệ mua hàng trong nước của các công ty Nhật tại Việt Nam chỉ vào khoảng 33%.
Trong chuyện này cũng cần học hỏi từ khả năng cung ứng cho các đối tác Nhật của một DN liên doanh giữa Việt Nam và Singapore là công ty CNS Amura Precision – chuyên sản xuất khuôn ép nhựa.
Ông Nguyễn Trọng Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty, nhấn mạnh đến tầm quan trọng về kiến thức quản lý theo kiểu "5S & Kaizen" khi các DN Việt muốn làm việc với công ty Nhật.
"Hơn nữa, các DN cần xác định tại sao mình chọn đối tác Nhật, đối tác yêu cầu chất lượng thế nào và mình liệu có thể đáp ứng được hay không. Các DN cần trả lời thành thật mọi câu hỏi từ đối tác. Và khi gửi báo giá thì hãy xác định mình làm được, giữ đúng kế hoạch đã cam kết với họ, khi có vấn đề phát sinh thì hợp tác cùng giải quyết", ông Văn lưu ý.
Các DN Nhật gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp lý tưởng tại Việt Nam |
Chờ khắc phục điểm yếu
Nói về hiện trạng ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, nhà nghiên cứu cấp cao của Jetro là Idei Ippei, cho biết tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam hiện là 33,2%, thấp hơn so với các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia. Trong khi đó, tỷ lệ cung ứng từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (không phải là DN nội địa và DN Nhật) cao hơn so với các nước khác.
Trên thực tế, ông Idei nhấn mạnh rằng tỷ lệ cung ứng từ DN nội địa ở Việt Nam là 13,1% và đang ở mức dưới tiêu chuẩn so với các quốc gia nêu trên. Điều đáng nói, qua thăm dò các DN Nhật về lý do cần tăng trưởng cung ứng nội địa, 84% cho biết muốn được giảm chi phí và hơn 63% DN muốn rút ngắn thời gian giao hàng.
Nhiều DN Nhật bày tỏ rằng họ luôn đặt kỳ vọng vào sự phát triển của các DN cung ứng Việt Nam nhưng thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu, đơn cử như nhà sản xuất linh kiện cho thiết bị xử lý nước.
Các công ty Nhật cũng phàn nàn có sai lệch trong lĩnh vực có thể cung ứng (như linh kiện điện và điện tử, xử lý bề mặt…).
Mặt khác, một số DN yêu cầu phải ký hợp đồng ngay lập tức, trong khi họ không hiểu rằng việc quan trọng đầu tiên là phải đăng ký nhà cung cấp. Bên cạnh đó, ít có DN cung cấp có thể đáp ứng công việc trong khoảng thời gian dài (nhất là nhà sản xuất linh kiện ô tô).
Cũng theo nhà nghiên cứu Idei Ippei, mặc dù nhà cung cấp đều là các DN ưu tú, nhưng chất lượng của các công ty thuê ngoài lại không được tốt nên đã có trường hợp xảy ra vấn đề (như các nhà sản xuất đồ điện gia dụng).
Trong khi đó, như đánh giá của ông Hisatsugu Furukawa, Tư vấn trưởng dự án khảo sát các DN phụ trợ Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các DN phụ trợ của Việt Nam đầu tư nhiều máy móc trang thiết bị nhưng lại gặp khó khăn trong việc không biết làm thế nào để tận dụng việc đầu tư những máy móc này một cách hiệu quả.
"Hay như việc làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có thể đồng hành với sự phát triển của DN phụ trợ cũng là một vấn đề thách thức. Đây là một số khó khăn về quản trị cũng như quản lý của các DN vừa và nhỏ Việt Nam mà theo tôi đánh giá là đang gặp phải", ông Hisatsugu nói.
Thanh Loan