Với kinh nghiệm nhiều năm liên kết chuỗi nông nghiệp, bà Trần Thị Kim Nhung, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Tp. HCM), cho biết các đối tác nước ngoài hiện đang liên kết mạnh tại Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp (DN) nội làm nông nghiệp lại theo cách "đóng cửa tự chơi", liên kết rời rạc.
Các liên kết hiện nay, như chia sẻ của bà Nhung, còn thiếu chia sẻ kinh nghiệm hoặc dìu các sản phẩm của nhau để cùng phát triển. Những DN nhỏ trong lĩnh vực này vừa đang "tự bơi" vừa trông chờ vào các hỗ trợ từ Nhà nước.
Vẫn phải... "tự bơi"
"Như DN của tôi, ngoài việc làm sao cho chất lượng nông sản đáp ứng được nhu cầu thị trường, vừa tìm kiếm khách hàng, chăm sóc các hợp tác xã, thành viên, nông dân, đào tạo kỹ thuật cho họ để theo kịp tiến độ sản xuất, lại vừa phải đi đến các ban ngành theo lũy kế ngày tháng năm để xin duyệt các chính sách", bà Nhung băn khoăn.
Tất cả việc đi xin duyệt chính sách, theo vị chủ DN này, chỉ nhằm mục đích có con đường vào cánh đồng cho nông dân thuận lợi hơn trong vận chuyển hàng hóa đối lưu. Hoặc để kéo được điện vào cánh đồng nhằm thuận lợi việc gieo trồng canh tác và bảo quản hàng hóa trong sản xuất.
Bà Nhung lưu ý thêm là còn quá nhiều khó khăn nếu nông nghiệp Việt Nam vẫn theo lối mòn cũ, cách giải quyết cục bộ. Nhiều DN đang rất mong được tạo thêm điều kiện để xây dựng quy trình sau chế biến hoặc áp dụng gieo trồng theo công nghệ cao để đẩy mạnh chất lượng nông sản.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, có tới trên 95% số DN nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết qua thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ở các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh trong chuỗi liên kết sản xuất giữa DN và nông dân thì vai trò và người thực hiện chính là DN.
Giới chuyên gia cho rằng DN nhỏ làm nông nghiệp ở Việt Nam gặp không ít khó khăn trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Một chuỗi cung ứng mang tính cơ bản gồm các khâu: sản xuất, chế biến và phân phối (bán buôn và bán lẻ). Tuy nhiên, trong thực tế, các công đoạn này chưa thực sự gắn kết với nhau, nếu có thì vẫn ở mức độ nhỏ lẻ manh mún.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ làm nông nghiệp nhưng liên kết rời rạc |
Trông chờ chính sách
Kiểu sản xuất nhỏ lẻ của DN nhỏ chưa tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đảm bảo sự an toàn, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn làm tự phát, mạnh ai nấy làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định.
Điều này mâu thuẫn với yêu cầu của việc đưa công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, vì để có thể đầu tư công nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm cần phải có nguồn nguyên liệu đủ lớn và đồng nhất chất lượng. Để giải quyết mâu thuẫn này, các DN chế biến thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), vẫn còn những hạn chế nhất định trong chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu. Chẳng hạn, khâu sản xuất có quy mô nhỏ, lại thiếu liên kết, trong khi ở khâu đầu vào như phân bón, chi phí còn cao với giá cả biến động.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam, cho rằng khi liên kết chuỗi nông nghiệp, vấn đề quan trọng nhất của DN vẫn là đầu ra. Điều mong mỏi là làm sao để nông dân, nhà sản xuất nông lâm thủy sản với nhà bán buôn, bán lẻ gặp được nhau, dù là nông dân, DN có sản lượng ít hay các tập đoàn nông nghiệp có sản lượng cao.
Tuy nhiên, tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các tư thương gom hàng khi giá mua cao hơn thường xuyên xảy ra…, dẫn đến hậu quả là tình trạng "được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa".
Thực tế, trong đầu tư nông nghiệp, yếu tố cần nhất là quỹ đất lớn, để đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất và cần sự nghiên cứu lựa chọn đúng một số ngành hàng có giá trị cao để làm điểm.
Tích tụ ruộng đất và xây dựng mô hình cánh đồng lớn sẽ thu hút được các DN nhỏ, HTX làm hạt nhân liên kết để xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện nay sử dụng gần 80% tổng diện tích đất tự nhiên, song quy mô canh tác với tỷ lệ sử dụng đất dưới 5ha là 97%, trong đó 70% là dưới 0,5ha.
Đi kèm với đó là chi phí vận hành cao là lý do khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ luôn gặp hạn chế. Đặc biệt, một vấn đề bất cập rất cơ bản được nói đến từ nhiều năm nay là chính sách thuế đối với các ngành sản xuất sản phẩm là đầu vào cho nông nghiệp vẫn chưa có cải thiện nào đáng kể.
Thanh Loan