Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử (TMĐT) đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh trong 5 năm tới.
Không nhanh sẽ...ở lại phía sau
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dịch COVID-19 đang tạo ra cơ hội chưa từng có để doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh kinh doanh.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong 5 năm tới. |
Bà Huyền kể lại câu chuyện: "Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói".
Qua câu chuyện trên, bà nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam nếu không quyết tâm ứng dụng thương mại điện tử thì chính mình sẽ trở thành người thua cuộc.
Mặt khác, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cũng chỉ ra rằng, việc phát triển kinh tế số, TMĐT của Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức là thiếu nhân lực. Có thực tiễn khi tiếp xúc với doanh nghiệp, ngay cả chủ doanh nghiệp cũng chưa thực sự ưu tiên cho việc thu hút, đào tạo nhân lực thỏa đáng để phát triển trên kênh TMĐT.
"Lựa chọn kênh TMĐT là tất yếu nếu muốn duy trì phát triển", bà khẳng định.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng muốn bán được hàng thì doanh nghiệp phải tập trung vào xây dựng thương hiệu. Hãy coi thương hiệu là vũ khí để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Người tiêu dùng hiện nay đang thích các thương hiệu thể hiện trách nhiệm xã hội vì điều này này khiến họ cảm thấy mình mua hàng có mục đích hơn. Từ bản thân mình, ông Trường cho biết: "Vừa mới mua một đôi giầy trên kênh online. Lý do ông chọn đôi giầy này là nó sử dụng chế phẩm từ bã cà phê".
Khoảng trống ở thị trường nông thôn
Từ phía nhà nghiên cứu hành vi tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Bích Chung, Phó Giám đốc nghiên cứu định tính Kantar, nhìn nhận hậu COVID-19 và giãn cách xã hội sẽ khiến lối sống và quản lý tài chính của người Việt Nam có thay đổi. Và tất nhiên, nhu cầu và hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi mạnh mẽ.
Trong đó, 57% người tiêu dùng cho rằng sẽ ngừng mua sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng tới môi trường, xã hội. Người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu, nhanh và an toàn cho sức khỏe.
Quan trọng hơn nghiên cứu của Kantar chỉ ra rằng, trong nội tại Việt Nam, hành vi tiêu dùng ở TP. Hà Nội và TP. HCM cũng khác nhau. Người tiêu dùng ở TP. Hà Nội thường có tư tưởng mua hàng theo tư duy đám đông, chú trọng đến những giá trị biểu tượng và sẵn lòng chi trả giá cao cho sự cao cấp hơn, chỉ chọn lựa sản phẩm mà đã có trải nghiệm qua trung thành hơn với thương hiệu và sản phẩm đã lựa chọn. Trong khi đó, ở TP. HCM, người dùng dễ dàng đưa ra quyết định bất chợt, giá cả phù hợp với sản phẩm yêu thích, thích trải nghiệm cái mới và sẵn lòng thử những thương hiệu, sản phẩm mới.
Điều này dường như đã được các doanh nghiệp nhìn nhận ra, bà Chung cho biết như Bitis cho ra đời 2 bộ sưu tập cảm hứng đường phố TP. HCM - TP.Hà Nội, hay thương hiệu toàn cầu Coca - Cola truyền thông điệp về chia sẻ, gắn kết, yêu thương ở TP. Hà Nội nhưng trong TP.HCM lại triển khai thông điệp sống trẻ, sống trọn từng giây, trẻ trung, năng động, đầy cảm hứng.
Mặt khác, ngay trong kênh TMĐT vẫn còn những khoảng trống mà doanh nghiệp, người bán hàng có thể khai thác. Theo ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại Tiki miền Bắc, cho hay hiện nay, TMĐT chủ yếu khai thác thị trường thành thị chiếm 20% dân số nhưng chiếm gần 90% doanh thu. Còn 80% dân số nông thôn chưa tiếp cận được với TMĐT, điều này khiến hàng giả, hàng nhái đang hoành hành ở khu vực nông thôn.
"Chiến lược mới còn rất lớn là 80 triệu dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể khai thác khu vực nông thôn nhưng rất tiềm năng này, vừa để mang sản phẩm tốt đến người nghèo thu nhập thấp, vừa có một thị trường tiếp cận không quá cạnh tranh. 10 năm nữa, doanh nghiệp cứ thị trường nông thôn mà tiến. Kiểu gì doanh nghiệp nhỏ cũng cất cánh, trở thành doanh nghiệp lớn", ông Quyền nói.
Tuy nhiên, đại diện Tiki cũng lưu ý, việc đầu tư vào chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm khi kinh doanh online chắc chắn vẫn là điều quan trọng nhất. Đây được xem là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhật Linh