Khi dịch COVID -19 ập đến, nhiều dự báo cho rằng lĩnh vực kinh doanh hiệu quả nhất có lẽ là bán hàng online. Tuy vậy, những gì diễn ra trên thực tế với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoàn toàn trái ngược.
Doanh thu TMĐT bán lẻ chỉ đạt 13%.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Khối Doanh nghiệp Tiki, chia sẻ: Ai cũng nghĩ rằng TMĐT là ngành được hưởng nhiều lợi ích trong đợt dịch vừa rồi. Nhưng không ai biết rằng đằng sau đó là những nguy cơ mà các sàn đang phải đối mặt.
Khách hàng ngày càng yêu cầu cao hơn khi mua sắm trực tuyến. |
Câu chuyện của Tiki là một ví dụ, nếu như 9 năm trước, sàn TMĐT này tăng trưởng 3 con số, dao động trong khoảng 100-150%/năm thì năm nay Tiki không còn giữ được phong độ như vậy. "Tăng trưởng phụ thuộc vào từng tháng, lúc đạt 10%, 30% hoặc có tháng 50%", ông Khánh chia sẻ.
Chia sẻ lý do, đại diện Tiki cho biết, nhìn vào số liệu 8 tháng đầu năm 2020 về tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ Việt Nam có lẽ trong lịch sử chưa có năm nào như vậy, có những tháng tăng trưởng âm đến 15-20%. Chỉ trong khoảng 2 tháng vừa qua, thị trường bán lẻ mới tăng trưởng nhẹ trở lại. Trong môi trường vĩ mô này, doanh nghiệp không ít thì nhiều cũng bị tác động.
Theo ông Khánh, quan trọng hơn, dịch bệnh khiến người tiêu dùng hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết. Người dùng ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ. Trong khi thế mạnh của Tiki là kinh doanh mặt hàng có giá trị cao. Đây là nguyên nhân khiến Tiki suy giảm tăng trưởng mạnh.
Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cũng cho thấy, trong giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19 (tháng 2 đến tháng 4/2020), có 57% doanh nghiệp (DN) có hoạt động kinh doanh liên quan tới TMĐT cho biết doanh thu tăng trưởng dưới 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí tăng trưởng âm.
Tốc độ tăng trưởng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6% mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch TMĐT giai đoạn COVID-19 có giá trị thấp).
Theo Bộ Công Thương, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, tốc độ tăng trưởng TMĐT về doanh thu trong quý IV là 20%, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ước đạt 12 tỷ USD.
Với trường hợp xấu nhất, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trong quý IV/2020, sản xuất tiêu dùng trong nước bị tác động, nguồn hàng, các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng lớn như vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống; sức tiêu dùng của người dân chậm thì khả năng quy mô thị trường TMĐT bị tác động lớn ước đạt 11 tỷ USD, và tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ chỉ đạt 13%.
Như vậy, cả hai kịch bản này, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đều sụt giảm so với dự báo trước khi có dịch COVID-19. Trước đó, theo Bộ Công Thương, doanh số TMĐT bán lẻ B2C năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 42%. Với mức tăng trưởng ổn định như vậy, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỷ USD.
Cần chiến lược mới
Người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu đồng nghĩa cạnh tranh giữa các sàn TMĐT càng gay gắt. Các sàn TMĐT lớn như Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop... không chỉ phải cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với chính các DN sản xuất hàng hóa.
Còn nhớ cuối năm 2019, tập đoàn Nagakawa đã chính thức "trình làng" website bán hàng trực tuyến của mình. Theo đại diện của Tập đoàn này, website TMĐT được tích hợp nhiều tính năng mua hàng, thanh toán không thua kém gì các sàn TMĐT lớn của Việt Nam.
Trong khi đó, trong đợt dịch vừa qua, để nâng cao hiệu quả bán hàng, nhiều DN sản xuất cho ra đời sàn TMĐT của riêng mình. Đơn cử, trong tháng 4/2020, hãng thời trang Elise đã ra mắt website TMĐT. Ngoài hình thức giao hàng truyền thống, Elise còn đưa ra thêm một sự lựa chọn cho khách hàng thông qua hình thức giao hàng không tương tác (phù hợp với phòng dịch COVID-19), đó là khách hàng sẽ không phải tiếp xúc với nhân viên giao hàng, bưu kiện sẽ được niêm phong và đặt ở địa chỉ nhận hàng...
Bộ Công Thương thừa nhận chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN nội địa với DN nước ngoài trên các hệ thống TMĐT do tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nắm giữ, cũng như đảm bảo sự bình đẳng về quản lý giữa mô hình phân phối truyền thống và mô hình phân phối TMĐT.
Với thách thức trên, ông Ngô Hoàng Gia Khánh cho biết, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, chiến lược của Tiki là "giao hàng 2 giờ", nhưng giờ DN cũng phải định hình lại cách thức cạnh tranh mới. Đó là giao hàng có thể chậm hơn, nhưng chi phí phải rẻ hơn.
"Chúng tôi cũng làm việc với các nhà sản xuất để tạo ra các gói combo sản phẩm với nhiều ưu đãi khuyến mãi cho khách hàng", ông Khánh nói.
Tuy nhiên theo đại diện Tiki, việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng cần phải gắn với làm sao tạo ra niềm vui cho họ. Từ đó, mới xóa nhòa ranh giới giữa mua hàng trên mạng hay ở ngoài.
Còn theo TS. Đoàn Bảo Huy, giảng viên tài chính Đại học RMIT, thống kê của Facebook cho thấy 53% sẵn sàng mua hàng từ các sàn TMĐT mới. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay chú trọng tăng cường tính tương tác. Đây là lý do mà các sàn TMĐT phải nỗ lực hơn nữa để không bị đào thải.
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT sẽ chịu sự quản lý chặt về vấn đề hàng giả, hàng nhái.... Bộ Công Thương cũng cho biết đã nghiên cứu, lập dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52. Nghị định dự kiến sẽ quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; Bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT.
Tuy nhiên, Nghị định này cũng sẽ tiếp tục khuyến khích TMĐT, xem xét bổ sung một số biện pháp quản lý với đối tượng mới (mạng xã hội, thương nhân có yếu tố nước ngoài). Điều này sẽ giúp giảm cạnh tranh không bình đẳng giữa DN nội địa với DN nước ngoài trên các hệ thống TMĐT.
Lê Thúy