Điển hình như các sản phẩm bún, bánh tráng có nguồn nguyên liệu từ thanh long, dưa hấu mang thương hiệu Mr Rice của Công ty TNHH Duy Anh ở Củ Chi (Tp.HCM) vài tháng nay đã lên kệ hàng của “chợ online" toàn cầu Amazon. Tuy nhiên, để làm được điều này, công ty đã phải mất hơn một năm theo đuổi.
Tìm "chìa khóa" mở cửa thị trường
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh cho biết: "Chúng tôi phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt của mình. Khi đến lượt thì khâu kiểm dịch lại khó khăn ngặt nghèo. Công ty có đối tác bên Mỹ và phải thường xuyên làm việc cùng nhau, nhất là khâu đăng ký và kiểm duyệt".
Sản phẩm bún mang thương hiệu Mr Rice của Công ty TNHH Duy Anh trên sàn Amazon. |
Ông Toàn cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đẩy mạnh xuất khẩu (XK) qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu như Công ty Duy Anh đã làm.
Một điển hình khác có thể kể đến là sản phẩm nước mắm truyền thống “Mami” của Công ty Link Power Nature - một DN thuần Việt ở tỉnh Bình Thuận, liên tục lọt vào Amazonchoice và Best Seller Amazon trên sàn Amazon toàn cầu trong năm 2020.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, qua đây có thể thấy nước mắm truyền thống của Việt đủ sức "qua mặt" được đối thủ cạnh tranh trực tiếp là nước mắm Thái Lan khi nhiều năm nay, sản phẩm nước mắm của quốc gia này đứng đầu ở kênh siêu thị thế giới cũng như kênh bán hàng trực tuyến.
Ông Lê Bá Linh, thành viên sáng lập Công ty Link Nature Power cho biết, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm, Việt Nam là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, vượt qua Thái Lan và Philippines. Đây chính là lợi thế cho nước mắm Việt cạnh tranh trên sàn TMĐT toàn cầu.
Cũng theo ông Linh, trên môi trường TMĐT cũng giống như môi trường kinh doanh truyền thống, đòi hỏi DN Việt phải làm tất cả các quy trình về bán hàng, cũng phải có marketing, chăm sóc khách hàng, quản trị chất lượng…
Có thể thấy, khi đưa được hàng Việt XK qua kênh TMĐT toàn cầu, thị trường Mỹ là một trong những thị trường chủ lực mà các DN Việt phải tính đến.
Để thâm nhập tốt ở thị trường này thông qua kênh TMĐT, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) lưu ý, đối với các DN nhỏ, chợ trực tuyến cung cấp một “cánh cổng” hữu ích để DN Việt Nam mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng doanh thu trong khi giảm thiểu rủi ro.
Các chợ trực tuyến nổi tiếng của Mỹ có thể kể đến như Amazon, Ebay, Fruugo… Phía Thương vụ cho rằng, DN Việt khi chọn XK qua kênh TMĐT có thể cân nhắc sử dụng nhà phân phối là bên thứ ba. Tức là DN bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình thông qua các trang web của bên thứ ba, sử dụng các mạng tiếp thị và bán hàng hiện có.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Ví dụ, DN có thể sử dụng Amazon như một chợ trực tuyến để bán các sản phẩm của mình. Mặt khác, DN lại có thể sử dụng Amazon như một kênh làm dịch vụ phân phối cho DN. Lúc này, hàng hóa sẽ được chỉ dẫn: “phân phối bởi Amazon”.
Nước mắm truyền thống của Việt Nam đủ sức "qua mặt" nước mắm Thái Lan trên sàn TMĐT xuyên biên giới. |
“DN cần cân nhắc các chiến lược tiếp thị, thanh toán, tính hiệu quả, thuế và các khoản phí khác. Đây là một phần không thể tách rời cho chiến lược TMĐT của DN”, đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston nhấn mạnh.
Ở góc độ của một nhà nhà tư vấn chuyên cung cấp dịch vụ TMĐT cho hàng Việt ra thị trường thế giới, ông Phạm Năng Duy, Giám đốc CTCP Onbrand chia sẻ rằng, nếu các DN Việt muốn đưa hàng lên sàn TMĐT toàn cầu thì cần nghiên cứu thị trường quốc tế xem thị trường có nhu cầu hay không, có ai đã từng bán sản phẩm đó ở thị trường đó chưa và giá cả như thế nào, chất lượng ra sao?
Giới chuyên gia lưu ý, nếu DN Việt thấy một số “chợ online toàn cầu" phù hợp với DN của mình thì nên xem xét xây dựng một chiến lược TMĐT để giúp DN thành công và bảo đảm tính cạnh tranh.
Đặc biệt là vấn đề nghiên cứu thị trường trên sàn TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể là cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, xu hướng của khách hàng và nghiên cứu đối thủ trên thị trường. Sau đó, cần thiết kế, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng quốc tế.
Hoặc chuỗi quy trình đưa sản phẩm từ Việt Nam sang kho hàng của một sàn TMĐT toàn cầu cũng cần được chuẩn bị kỹ càng. Đơn cử như với Amazon gồm khâu thủ tục, làm giấy tờ sản phẩm, vận chuyển…, đòi hỏi DN chuẩn bị kỹ lưỡng và cần hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Trên thực tế, việc XK bằng TMĐT xuyên biên giới đối với nhiều DN Việt vẫn còn ở giai đoạn đầu, nên cơ hội lớn nhưng rào cản cũng nhiều. DN Việt nếu muốn đi đến cùng và không nản lòng thì cần chuẩn bị thật kỹ.
"Đặc biệt là DN cần biết rõ việc bán hàng hay sự hiện diện trực tuyến của mình phải đạt được điều gì? DN tìm cách bán hàng trực tuyến, hay chỉ để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của mình?", một chuyên gia trong ngành lưu ý.
Trên thực tế, việc thiết lập một cơ sở bán hàng trực tuyến của DN Việt trên một “chợ online toàn cầu” có thể mất thời gian. Vì vậy, DN cần làm rõ những tài nguyên nào mà DN sẽ cần quản lý, cũng như cần tìm hiểu ai là đối thủ cạnh tranh chính của DN trong kinh doanh trực tuyến trên thị trường quốc tế, để mọi sự chuẩn bị được tốt hơn.
Thế Vinh