Pinduoduo là sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn được ví như “chợ online” xuyên biên giới, chuyên phân phối các sản phẩm nông nghiệp trực tuyến lớn nhất Trung Quốc và đang có tham vọng đến năm 2025 là nâng GMV (tổng giá trị giao dịch trực tuyến) từ các sản phẩm nông nghiệp, lên hơn gấp 7 lần, đạt hơn 145 tỷ USD/năm.
Nhiều cơ hội mở ra
Thông tin mới đây cho thấy sàn TMĐT này (năm 2019 đã có 240 triệu lượt khách hàng đã mua nông sản thông qua nền tảng của họ) đang chú ý đến nguồn cung cấp trái cây từ các nhà vườn ở Đông Nam Á.
DN vừa và nhỏ cần tập trung các nguồn lực để kết nối với các sàn TMĐT xuyên biên giới |
Có thể thấy đây là tín hiệu và là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng trái cây của Việt Nam nhắm đến xuất khẩu (XK) trực tuyến vào Trung Quốc qua Pinduoduo.
Nhất là cách đây vài tháng Pinduoduo có cho biết rằng sẽ khởi động dự án cung cấp 1 tỷ nhân dân tệ vào việc đầu tư và trợ cấp để khuyến khích các thương gia bên ngoài Trung Quốc thiết lập các cửa hàng nhỏ (micro-shop) trên nền tảng của mình.
Sàn TMĐT nêu trên còn cho phép các nhà sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài live stream (phát sóng và tương tác trực tiếp) với người tiêu dùng Trung Quốc.
Ngoài Pinduoduo thì với việc nhắm đến XK trực tuyến vào thị trường Trung Quốc, các DN Việt vẫn đang tìm đến sàn trực tuyến xuyên biên giới Alibaba. Nhất là DN chuyên sản xuất và XK các mặt hàng có thế mạnh tại Việt Nam như: Thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy hải sản, may mặc và dệt may…
Thực tế là thông qua Alibaba thì đã có một số DN Việt không chỉ XK trực tuyến vào Trung Quốc mà còn có được những đơn hàng lớn sang các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Hoặc như với sàn Amazon (đang chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Mỹ) thì hiện nay đã có một số DN Việt Nam có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng ở Mỹ.
Amazon hiện được đánh giá là kênh XK hiệu quả cho những DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, những DN của Việt Nam khai thác việc bán hàng trên sàn TMĐT này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng lớn. Thực tế là nhiều DN Việt dù muốn vào sàn này nhưng vẫn đang loay hoay vì sự bất đồng ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về người tiêu dùng, chi phí vận chuyển cao, thủ tục giao thương rắc rối…
Về phía cơ quan quản lý, thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã có những hoạt động đẩy mạnh hỗ trợ DN XK qua các sàn TMĐT lớn trên thế giới (Amazon, Alibaba, Global source…).
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Số DN vừa và nhỏ của Việt Nam quá lớn, nhưng với những DN đủ năng lực để kết nối với các sàn TMĐT xuyên biên giới phục vụ cho XK trực tuyến thì vẫn còn khá khiêm tốn.
Cần tập trung nguồn lực
Nguồn vốn để phục vụ cho XK trực tuyến cũng là một thách thức lớn đối với DN vừa và nhỏ. Và nhiều hoạt động cho họ cũng đang được mở ra. Chẳng hạn như mới đây một ngân hàng TMCP có cho biết sẽ hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon. Ngoài ra, họ sẽ đào tạo và hỗ trợ DN Việt Nam trong hoạt động XK trên nền tảng TMĐT.
Bên cạnh đó, ngân hàng này còn hợp tác với một tập đoàn lớn và Amazon Global Selling tiến tới thành lập các chuỗi trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam XK tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc, cũng như hợp tác với đối tác thanh toán Payoneer (chuyên về thanh toán trực tuyến) để hỗ trợ DN bán hàng trên Amazon thực hiện các giao dịch thanh toán.
Thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây thì các hoạt động hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tham gia tốt vào các sàn TMĐT xuyên biên giới là không ít. Vấn đề còn lại nằm ở sự nỗ lực của bản thân các DN nếu như họ vượt qua được các thách thức nội tại.
Chẳng hạn như vấn đề về nhân lực cho XK trực tuyến. Đánh giá gần đây trong Báo cáo Chỉ số TMĐT 2020 của Việt Nam cho thấy nguồn nhân lực cho TMĐT tại nhiều DN còn yếu đã hạn chế sự tăng trưởng của kinh doanh trực tuyến.
Tình hình này không có gì bất ngờ khi phần lớn DN chưa đầu tư thoả đáng cho việc tuyển dụng nhân tài và đào tạo nhân sự tại chỗ. Khảo sát của Hiệp hội TMĐT (VECOM) cho thấy chi phí đầu tư nguồn nhân lực công nghệ thông tin và TMĐT luôn luôn dưới 20%, thấp hơn nhiều so với mức đầu tư vào phần cứng và phần mềm.
Tham dự một khoá học mới đây nhằm giúp DN vừa và nhỏ chuyển đổi số và TMĐT để tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng marketing, Công ty Liên doanh TNHH Anova, chia sẻ rằng xu hướng online hiện nay mang diện mạo mới mà DN của ông nghĩ rằng rất hữu dụng và cần thiết.
Và hiện công ty của ông Tuấn đã xây dựng được kênh online, tạo ra được App (ứng dụng) riêng để khách hàng trải nghiệm và tiếp cận sản phẩm. Khi tham gia khóa học về chuyển đổi số, ông Tuấn mong muốn những kiến thức học được sẽ giúp đẩy mạnh, phát triển kênh online song song với kênh truyền thống mà DN triển khai từ trước đến nay.
Giới chuyên gia cho rằng đây là lúc các DN vừa và nhỏ cần tập trung các nguồn lực để hướng đến kết nối với các sàn TMĐT xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi DN cần xây dựng được chiến lược rõ ràng, rồi sau đó triển khai cho việc XK trực tuyến thì cần tập trung nguồn lực vào vận hành, kết nối và có sự đo lường, đánh giá, giám sát mục tiêu…
Thế Vinh