Thời gian vừa qua, HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên (Thanh Ba, Phú Thọ) là một trong những điểm sáng trong công tác truyền, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở xã Đỗ Xuyên. Điều đặc biệt, nguồn lao động dư thừa (người ngoài 50 tuổi) chính là lực lượng sản xuất chủ yếu của HTX này. HTX Đỗ Xuyên thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động (cả người lao động trong và ngoài xã Đỗ Xuyên); liên kết với 15-20 hộ nông dân trong xã để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Đào tạo thông qua mô hình HTX
Người lao động HTX Đỗ Xuyên từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, HTX còn hỗ trợ đào tạo nghề cho nhiều người lao động trên địa bàn.
Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng các nghề thủ công mỹ nghệ. |
Tương tự, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ ở thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được thành lập từ năm 2010 sản xuất mây tre đan tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Nông Cống với doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/tháng. Đồng thời cũng là một điểm tựa đáng tin cậy cho đối tượng người khuyết tật, các lao động có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: Hiện nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã tạo việc làm cho từ 300 - 500 lao động với mức thu nhập bình quân dao động từ 2 - 6 triệu đồng/người/tháng. Các lao động đều là các chị em phụ nữ đa dạng độ tuổi, có những lao động gia đình hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, những người khuyết tật, quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ từ khắp các địa phương như xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình (Nông Cống), Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) và Đông Anh (Đông Sơn).
Các lao động được HTX đào tạo nghề miễn phí đồng thời tạo điều kiện để mang nguyên liệu về làm tại nhà đối với các lao động có nhu cầu. Qua quá trình lao động, sản xuất ra các sản phẩm mây, tre đan thân thiện với môi trường, các chị em phụ nữ cũng nhận thức hơn về tác hại và việc hạn chế sử dụng các đồ dùng nhựa, túi nilon trong cuộc sống hàng ngày.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 2.556 làng nghề thủ công mỹ nghệ, bên cạnh các "làng có nghề" tuy chưa hội đủ tiêu chí để được công nhận là làng nghề, nhưng vẫn sản xuất ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Có thể kể đến những làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, mộc La Xuyên, tre đan Bằng Sở, đúc đồng Đại Bái, đá mỹ nghệ Ninh Vân, chạm bạc Đồng Xâm…
Khuyến khích giới trẻ học nghề truyền thống
Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời gắn với vô vàn tên tuổi các làng nghề, phố nghề trải rộng khắp cả nước. Từ hình thức là những công việc phụ trợ lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, thủ công mỹ nghệ dần dần phát triển thành một nghề độc lập, một ngành kinh tế chính.
Vì vậy, GS.TS Từ Thị Loan cũng cho rằng, đối với ngành thủ công mỹ nghệ, nguồn nhân lực chính là các nghệ nhân, những người thợ thủ công và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc trau dồi kỹ năng, bí quyết riêng của nghề thì còn cần sự trang bị kiến thức kinh doanh, phát triển sản xuất, mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Do đó, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để chúng ta đảm bảo được nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Đồng thời, Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; có chính sách điều phối tạo các vùng nguyên liệu, vùng khai thác nguyên liệu, vùng chế biến nguyên liệu.
Song song với đó là tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động.
Đáng chú ý, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, TP.Hà Nội, kiến nghị cần sớm có những chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề như có thể tổ chức một nguồn quỹ khuyến khích giới trẻ học nghề truyền thống, tổ chức các hoạt động sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ đương đại từ tri thức dân gian; các trường đào tạo nghề có chương trình đào tạo kỹ năng chuyên sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm…, góp phần tạo nguồn kế cận dồi dào, trí thức cao và sáng tạo.
Hoàng Giang