Đơn cử, HTX gốm sành Hùng Sơn, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình) có nguồn gốc từ Gia Thủy, sau khi một số người dân ở đây di dời về Xích Thổ lập nghiệp đã gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống cho đến ngày nay. Những người thợ đã nghiên cứu cải tiến các mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
HTX tích cực trong công tác đào tạo nghề
Đa số nghề tiểu thủ công nghiệp không đòi hỏi phải dùng sức nhiều, lại đơn giản, dễ làm, chỉ cần tỉ mỉ, cẩn thận, do đó HTX gốm sành Hùng Sơn đã thu hút khá nhiều lao động ở các địa phương, kể cả các lao động là người khuyết tật.
Đẩy mạnh đào tạo nghề thông qua huy động nguồn lực từ hợp tác xã, doanh nghiệp. |
Thời gian qua, các ngành chức năng ở Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX tiểu thủ công nghiệp vay vốn mua sắm các trang thiết bị mở rộng sản xuất, tham gia các lớp đào tạo nghề và nâng cao tay nghề... đó chính là cơ sở để ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ngày càng được mở rộng tại nhiều địa phương.
Việc phát triển các HTX tiểu thủ công nghiệp đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Qua đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy trong công tác đào tạo nghề, khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò rất quan trọng. Hiện tỉnh Ninh Bình có 2 Liên hiệp HTX, 456 HTX, trong đó có 355 HTX lĩnh vực nông nghiệp; 62 HTX phi nông nghiệp, 39 Quỹ tín dụng nhân dân. Khu vực HTX thu hút trên 336 nghìn các thành viên tham gia. Những con số trên cho thấy kinh tế tập thể, HTX ngày càng mở rộng về tổ chức, đổi mới và phát triển về quy mô, số lượng lẫn chất lượng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả trên góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2021 đạt 66,5%. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm.
Triển khai đồng bộ giải pháp
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Trong đó, việc nâng cao năng lực cho cán bộ của các HTX cũng rất quan trọng.
Nhận thức được điều đó, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo của cán bộ HTX và liên kết với Trường Đào tạo cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam để bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của HTX. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên thay đổi nội dung cho phù hợp với từng đối tượng và thời gian.
Cùng với đó, chú trọng cập nhật thông tin, bổ sung nội dung, nhất là những kiến thức về quản trị doanh nghiệp, khoa học công nghệ, kỹ thuật thông tin, chuyển đổi số. Từ đó, đội ngũ cán bộ các HTX mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực đầu tư phát triển hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm ở địa phương.
Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết, để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai các biện pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động dưới nhiều hình thức. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối tin cậy giữa người lao động và người sử dụng lao động trong giải quyết việc làm và cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy thị trường lao động như rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm người lao động khi bị mất việc làm; triển khai tốt các chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống… để tạo nhiều hơn nữa việc làm cho người lao động.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề; nguồn lực đầu tư cho các hoạt động phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, kinh phí đầu tư tăng hằng năm.
Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từng bước được nâng cao, các ngành nghề được tổ chức đa dạng, phong phú đã đã giúp cho lao động nông thôn lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình; các lớp đào tạo nghề được tổ chức rộng khắp tại các vùng trong toàn tỉnh.
Đức Minh