Kim Bôi là huyện có địa bàn rộng, dân cư đông của tỉnh Hòa Bình. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đòi hỏi của thực tế, hàng năm, huyện đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo theo “khẩu vị” của HTX, doanh nghiệp.
Dạy nghề để tạo việc làm
Trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất tinh dầu sả, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã xây dựng thêm xưởng may, thành lập đội ngũ lao động lành nghề để triển khai may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội.
Để đáp ứng yêu cầu về nhân lực, HTX đã chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi để xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân địa phương.
Kết quả, sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, 28/28 học viên đã được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập của người lao động cao gấp 1,5 lần.
Chị Bạch Thị Như, xã Hùng Sơn, công nhân may của HTX Huy Chỉ cho biết, chị làm công nhân may cho HTX từ 3 năm nay. Hiện, công việc của chị khá ổn định, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp mà không phải ly hương, đi làm lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
“Cái hay khi tham gia các lớp dạy nghề của HTX Huy Chỉ là được "cầm tay chỉ việc", sau đó là được nhận vào làm luôn. Nhờ có HTX mà hơn 20 lao động, đa phần là nữ người dân tộc Mường, Dao vốn quan năm "chân lấm, tay bùn" nay có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Như phấn khởi nói.
Đào tạo nghề tăng cơ hội việc làm, mở cơ hội làm giàu cho lao động nông thôn. |
Cũng giống như ở Kim Bôi, những năm gần đây, các phong trào thi đua trên địa bàn xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn, An Giang) luôn được đẩy mạnh, trong đó công tác dạy nghề được đẩy mạnh với nhiều chuyển biến tích cực, tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân tại địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Không chỉ có sự chủ động của địa phương, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã Vĩnh Trạch cũng nhận được sự đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác.
Điển hình, HTX Nông nghiệp Vĩnh Trạch đã và đang thực hiện rất hiệu quả mô hình liên kết đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng nghìn nông dân tại địa phương.
Cần bước đi bền vững
Ông Võ Văn Quang, đại diện HTX Vĩnh Trạch cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định việc dạy nghề phải bám sát thực tiễn, các lớp học phải giúp nông dân nắm vững kiến thức, tay nghề cao và phải có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học”.
Với tôn chỉ rõ ràng, HTX cùng chính quyền xã đã lên kế hoạch chi tiết về quá trình dạy nghề và các khâu hậu đào tạo cho người nông dân, trong đó nghề đan thủ công được chọn là lĩnh vực chủ lực. Nhờ cam kết “học xong có việc làm”, các lớp đào tạo nghề của HTX nhanh chóng tạo hiệu ứng mạnh, thu hút hàng nghìn học viên trong và ngoài địa phương tham gia.
Sau gần 3 năm hoạt động, chuỗi liên kết dạy - học - làm của HTX Vĩnh Trạch đã tạo việc làm cho cả nghìn lao động trong xã. Hiện, nghề đan ghế nhựa đã phủ khắp cả 7 ấp trong xã với thu nhập bình quân 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Từ khi có cơ sở dạy nghề đan ghế nhựa của HTX, nhiều lao động địa phương phải “tha hương” đi làm việc ở các khu công nghiệp ở Bình Dương đã quay về làm tại nhà, đặc biệt là lao động nữ, người có điều kiện sức khỏe không đảm bảo.
Hiệu quả của nghề đan không chỉ nâng thu nhập cho người dân, mà góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Trạch, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại địa phương những năm qua được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ năm 2015 đến nay, xã Vĩnh Trạch đã tổ chức 25 lớp dạy nghề cho 702 lao động. Hàng năm, có bình quân 800 - 1.000 lao động được giới thiệu việc làm, qua đó tạo việc làm ổn định cho trên 90% lao động trong độ tuổi và tỷ lệ lao động có việc làm tại địa phương qua đào tạo đạt trên 66%.
Có thể thấy, việc quan tâm, thúc đẩy đào tạo nghề đang là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhiều địa phương tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Thành công tại Kim Bôi (Hòa Bình) hay Vĩnh Trạch (Thoại Sơn, An Giang) chỉ là 2 trong số rất nhiều điểm hình trong công tác đào tạo nghề trên cả nước. Nhưng để tiếp tục nâng cao hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh hơn, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò của các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, phát huy sức mạnh của các doanh nghiệp, HTX trong việc dạy nghề và tiếp nhận lao động sau học nghề…
Vĩnh Kỳ