Theo báo cáo của TopDev, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao đang gia tăng mạnh mẽ. Mức lương hấp dẫn, cùng với các chế độ đãi ngộ tốt đã khiến ngành IT trở thành lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn phát triển sự nghiệp.
Dự kiến, mức lương trung bình cho lập trình viên vào năm 2024 sẽ dao động từ 1.100 - 3.000 USD/tháng, tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn như kỹ sư AI và chuyên gia an ninh mạng thường có mức lương cao hơn nhiều do tình trạng khan hiếm nhân lực trong các lĩnh vực này.
Có còn là “làn gió mới”?
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, ngành IT không chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước mà còn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư quốc tế.
Xét về khu vực, TP.HCM tập trung hơn 55% lượng nhân sự toàn ngành IT, kế đến là Hà Nội và Đà Nẵng. Vì thế, TP.HCM được xem là "vùng đất hứa", nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực IT sẽ luôn trên đà tăng trưởng nhanh trong những năm sắp tới.
Từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 nhân sự IT để đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Một trong những yếu tố chính giúp ngành IT phát triển là nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm kiếm lập trình viên, kỹ sư mạng, chuyên gia an ninh mạng, và các vị trí khác có liên quan đến công nghệ thông tin. Sự phát triển của các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và an ninh mạng đang mở ra nhiều cơ hội việc làm phong phú. Các doanh nghiệp không chỉ cần nhân lực để phát triển sản phẩm mà còn để duy trì và bảo vệ hệ thống công nghệ của họ.
Ngoài ra, với sự gia tăng của các startup công nghệ, cơ hội việc làm trong ngành IT đang ngày càng phong phú hơn. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra thêm việc làm cho cộng đồng. Những doanh nghiệp khởi nghiệp này thường xuyên cần tuyển dụng các vị trí như lập trình viên, designer, và quản lý sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội cho những ai muốn thử sức trong môi trường năng động và sáng tạo.
Bà Trương Quỳnh Như, đại diện TopDev (đơn vị kết nối tuyển dụng việc làm ngành công nghệ thông tin - IT), dự báo ngành IT tiếp tục phát triển. Đây là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm qua. Sự đầu tư ngày càng mạnh vào Việt Nam từ các quốc gia như: Mỹ, Hàn, Nhật… sẽ mang lại làn gió mới cho ngành IT trong những năm sắp tới.
Lấp "khoảng trống" nguồn nhân lực
Dù có xu hướng tăng về lương và phúc lợi trong ngành công nghệ thông tin vượt xa so với các ngành khác, tuy nhiên, theo thống kê hàng năm, số lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin còn thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 người.
Hiện nay có khoảng hơn 100 trường đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành công nghệ thông tin., hằng năm có khoảng 50.000-70.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, nguồn cung này chưa thể đáp ứng nhu cầu nhân lực, chưa tính đến số lượng sinh viên ra trường cần được đào tạo thêm để đáp ứng công việc.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, trong khi nguồn cung lao động không theo kịp. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học chưa đủ kỹ năng và kiến thức thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công việc, khiến các công ty phải đầu tư nhiều hơn vào các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện tại, đồng thời tìm kiếm các giải pháp khác để thu hút nhân tài.
Bởi lẽ, phần lớn nhà tuyển dụng tại Việt Nam (87,3%) ưu tiên tuyển dụng những người có bằng cấp hàn lâm (đại học/cao đẳng trở lên) trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngược lại, chỉ có 5,4% nhà tuyển dụng sẵn lòng tuyển dụng ứng viên không có bằng cấp công nghệ cho các vị trí trong ngành. Ưu tiên sẽ được trao cho những ứng viên hoàn thành chương trình đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ chuyên môn, với tỷ lệ lần lượt là 16,4% và 13,6%.
Th.s Lê Văn Hùng Công ty TNHH phát triển phần mềm TOSHIBA (VIỆT NAM) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm những ứng viên có bằng cấp hàn lâm mà còn chú trọng đến kỹ năng thực tiễn và khả năng làm việc nhóm.
“Chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu chuyên môn. Mặc dù có nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học thậm chí top đầu, nhưng nhiều người lại thiếu kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng mềm cần thiết. Điều này khiến chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo nội bộ,” ông Hùng chia sẻ với VnBusiness.
Theo ông, doanh nghiệp cần phải triển khai các chương trình thực tập cho sinh viên, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để các bạn trẻ có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế. “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học để tạo ra các khóa học thực hành và chương trình thực tập, từ đó giúp sinh viên sớm tiếp cận môi trường làm việc,” ông Hùng nói thêm.
Số liệu từ Bộ TT&TT chỉ ra rằng, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 lao động công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đặt ra áp lực cho các doanh nghiệp phải chú trọng hơn đến việc triển khai các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng (upskilling) và chuyển đổi kỹ năng (reskilling) cho nhân viên.
Cụ thể, các doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng vào tuyển dụng mà còn phải đầu tư vào các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên. Điều này sẽ giúp giữ chân nhân tài và tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, nơi nhân viên cảm thấy được phát triển và có cơ hội học hỏi. Chẳng hạn, việc áp dụng các khóa học trực tuyến, workshop và hội thảo sẽ tạo điều kiện cho nhân viên cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng của mình. Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ hợp lý cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), cần liên kết từ nhiều đơn vị như: trường đại học, cơ quan chức năng, doanh nghiệp công nghệ, tập trung xây dựng những phòng thí nghiệm, đào tạo thêm kiến thức cho kỹ sư vừa ra trường thì mới có thể đáp ứng tốt nhân sự trong "làn sóng công nghệ" này, để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.
Giới chuyên gia cho rằng, tiềm năng của ngành IT Việt Nam là rất lớn. Để thành công trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược cụ thể, từ việc đầu tư vào công nghệ cho đến tận dụng và phát triển nguồn nhân lực dồi dào. Và còn là một mảnh đất màu mỡ cho những ai tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Những ai có khát vọng và đam mê với công nghệ sẽ tìm thấy vô số cơ hội để phát triển sự nghiệp trong tương lai gần.
Lê Hồng