Tại xã Nga Hải (huyện Nga Sơn), hàng trăm phụ nữ có thu nhập ổn định trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng nhờ nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ. Năm 2018, sau khi tham gia lớp học nghề tiểu thủ công nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nga Sơn tổ chức, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nga Hải đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với 30 thành viên.
Có việc làm ổn định sau học nghề
Đến nay, Tổ hợp tác đã phát triển lên 70 thành viên. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên, Tổ hợp tác còn liên kết, mở rộng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho 300 phụ nữ trong xã với thu nhập trung bình mỗi người đạt từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Thanh Hóa triển khai chính sách hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030. |
Tương tự, đến HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, thôn Trung Hậu (Hoằng Trung, Hoằng Hóa), đông đảo chị em phụ nữ đang thoăn thoắt may ráp các phần quai, thân; cẩn thận, tỉ mỉ cắt những đoạn chỉ thừa, xếp những chiếc túi xinh xắn, màu sắc bắt mắt thành từng chồng để hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng.
Chị Phạm Thị Ngân, Chủ tịch HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, cho biết năm 2014 gia đình chị đầu tư mở xưởng may các loại túi xách dùng trong siêu thị. Qua bạn bè giới thiệu, cùng với việc hỗ trợ từ Hội phụ nữ xã, gia đình đã đấu mối với Công ty CP Casablanca Việt Nam ở Hà Nội, để tìm hiểu quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hướng dẫn cho các chị em phụ nữ trong xã học nghề thành thạo.
"Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều lứa tuổi phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho 150 hội viên phụ nữ địa phương, với mức thu nhập từ 3-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn mở rộng thêm nghề đan cói, thu hút khoảng 50 chị em phụ nữ tham gia", chị Ngân thông tin.
Ngoài HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa còn rất nhiều cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ, đã và đang giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hội viên, phụ nữ địa phương. Điển hình như HTX tiểu thủ công nghiệp Long Anh (xã Hoằng Trinh) hiện đang dạy nghề làm lông mi giả cho 150 lao động nữ...
Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm
Có thể thấy, việc tổ chức mở các lớp dạy nghề gắn với phát triển mô hình kinh tế tập thể tại nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa sát với nhu cầu đăng ký thực tế của phụ nữ nông thôn sẽ giúp việc gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng một bộ phận nông nghiệp sang làm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có tay nghề kỹ thuật và việc làm thường xuyên.
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ đã góp phần quan trọng giúp phụ nữ nông thôn tăng thu nhập; xây dựng mô hình tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo khảo sát của các cấp hội, sau học nghề, hơn 80% trở lên chị em được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định.
Đặc biệt, để hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030". Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình HTX có phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ cả về quy mô và chất lượng hoạt động; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, hỗ trợ thành lập mới 5 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho trên 50% lao động nữ bước đầu ứng dụng công nghệ số, áp dụng kinh tế số, sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; thu hút thêm khoảng 2.000 phụ nữ là thành viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể do nữ tham gia quản lý.
100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mô hình HTX; cán bộ Hội chuyên trách các cấp phụ trách tham mưu được tập huấn nâng cao nhận thức về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, HTX…
Dự kiến, tổng kinh phí giai đoạn 2022-2030 cho Đề án là 7,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương là 1,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 6,1 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án.
Minh Hằng