Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Kim Bảng (Hà Nam) hiện đạt 68%, trong đó 54,5% có chứng chỉ, bằng nghề. Trong vòng 5 năm, gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề chuyên nghiệp, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Dạy nghề chất lượng cao
Hiệu quả của công tác đào tạo nghề đang góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Kim Bảng, tác động tích cực đến đời sống của người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Số lao động nông thôn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại – dịch vụ trên địa bàn huyện Kim Bảng hiện chiếm tỷ lệ gần 70%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 87 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Để có được những thành công trên, trong hơn một thập kỷ qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ mới.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong đào tạo nghề có hiệu quả ở Kim Bảng là mô hình đào tạo nghề thêu ren. Từ khi triển khai đề án cho đến nay, mô hình được phát triển, nhân rộng ở các xã như Lê Hồ, Đồng Hóa, Tân Sơn, Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Hoàng Tây…
Chị Lê Thị Phượng, thành viên Tổ hợp tác nghề thêu xã Đồng Hóa, chia sẻ nghề thêu cần sự công phu, tỉ mỉ và khéo léo, vì vậy học nghề tinh thông là đòi hỏi tất yếu. Nhờ được học nghề, các hộ nay đã có thể áp dụng công nghệ, sử dụng máy vi tính vào sản xuất, góp phần tăng giá trị, giảm công lao động.
Đào tạo nghề nâng cao chất lượng lao động, mở rộng cơ hội việc làm. |
Cùng với thêu ren, các nghề đào tạo thu hút lao động nông thôn trên địa bàn huyện tham gia học, có việc làm sau đào tạo phổ biến nhất là những nghề phi nông nghiệp, như may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nhân viên phục vụ phòng, hướng dẫn viên du lịch, Caddy (phục vụ sân golf),…
Với những kết quả đang có, Kim Bảng đang hướng tới những mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó 65% có chứng chỉ bằng cấp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 86% tổng số lao động toàn xã hội.
Để hoàn thành các mục tiêu, huyện sẽ chủ động huy động các nguồn lực từ HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động sau học nghề. Đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên…
Gắn với tạo việc làm tại chỗ
Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều địa phương cũng đang chú trọng đào tạo nghề theo thực tiễn gắn với tạo việc làm tại chỗ. Điển hình như tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng những năm qua gặt hái nhiều thành công với làng nghề đan đát Phước Quới.
Trước đây, đời sống của người dân Phước Quới đặc biệt khó khăn, đa số bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính nhưng vẫn không đủ ăn. Nhờ nghề đan đát với những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé… được tiêu thụ khắp vùng, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm đáng kể.
Để phát triển bền vững nghề đan đát, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, xã đã vận dụng các nguồn lực hỗ trợ để thành lập HTX làng nghề Phú Tân. Hiện, các thành viên tham gia HTX được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất.
Chị Thạch Thị Phuông, thành viên HTX làng nghề Phú Tân, chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, về làm dâu làng này, không nghề nghiệp, ruộng vườn thì ít, ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm thuê. Khi vào HTX được dạy nghề, vay vốn phát triển sản xuất, kinh tế gia đình mới dần ổn định”.
Hiện, bên cạnh nghề đan đát cho thu nhập ổn định 4 – 5 triệu/tháng, chị Phuông phát triển thêm nghề chăn nuôi heo. Với kiến thức từ lớp tập huấn chăn nuôi an toàn sinh thái của xã, chị duy trì đàn heo gần 30 con/lứa, cho giá trị trên 50 triệu đồng/năm.
Phó Giám đốc HTX Làng nghề Phú Tân, ông Lý Minh Tâm cho biết, để duy trì và phát triển nghề đan đát, HTX đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ thành viên, hộ liên kết tiêu thụ sản phẩm bằng việc kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua.
Đồng thời, HTX liên hệ các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các mẫu đan với nhiều loại sản phẩm theo hình thức thu nhỏ, làm quà lưu niệm để bán cho du khách, nhằm giúp thành viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể thấy, chương trình đào tạo nghề nông thôn thời gian qua đang cho thấy tác động rất tích cực trong quá trình xây dựng kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho lao động tại các địa phương.
Để tiếp tục phát huy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần chú trọng huy động các nguồn lực từ HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động sau học nghề. Đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên…
Nhất Tiếu