Bên cạnh tích cực đầu tư, hỗ trợ nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng còn thành lập mô hình HTX nhằm phục hưng các nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa và giá trị kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số.
Vực dậy nghề truyền thống
Tiêu biểu là cư dân ở Buôn Go (thị trấn Cát Tiên) liên kết với HTX dệt may thổ cẩm Cát Tiên (xã Phù Mỹ) sản xuất sản phẩm vải dệt truyền thống của người Châu Mạ để phục vụ cho thị trường TP Hồ Chí Minh.
Với đặc thù 99% thành viên tham gia là nữ, HTX thổ cẩm Cát Tiên liên kết với Hội liên hiệp phụ nữ huyện triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, đảm bảo yêu cầu tăng tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của lao động nữ.
Trong chương trình phối hợp này, HTX dệt may thổ cẩm Cát Tiên đã tổ chức dạy nghề may, dệt tay, làm thú nhồi bông và các sản phẩm thủ công cho phụ nữ địa phương.
Sau học nghề, các học viên được HTX cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhờ cách thức dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ, trong thời gian qua, HTX dệt may thổ cẩm Cát Tiên đã giúp cho 30 chị em có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, đã đào tạo hàng trăm học viên có thể tự tổ chức sản xuất với nghề dệt thổ cẩm.
Từ khi thành lập đến nay, HTX dệt may thổ cẩm Cát Tiên đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho phần lớn phụ nữ Châu Mạ ở Buôn Go và phụ nữ xã Phù Mỹ.
Đào tạo nghề là cơ sở để nhiều địa phương phục hưng lại nghề truyền thống, tạo ra nhiều việc làm. |
Tương tự, ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, việc làm "sống dậy" các ngành nghề truyền thống cũng đang góp phần giúp nhiều người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát cảnh đói nghèo, vươn lên khá giả, làm giàu.
Ông Lâm Ngôn, người dân tộc Khmer ở tổ 2, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cho biết, thời gian qua đã vận động 60 người là dân tộc Khmer trên địa bàn đến để học nghề truyền thống đan lát. Từ đó, thành lập làng nghề để vừa tăng thêm thu nhập vừa giảm nghèo cho bà con.
“Chính quyền địa phương rất quan tâm, động viên tôi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy nghề đan lát truyền thống để nghề không bị mai một và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer trong xã”, ông Lâm Ngôn nói.
Phát triển theo chiều sâu
Theo đại diện UBND xã Lộc Khánh, nếu như đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số của xã chiếm 10,5% thì đến nay còn dưới 5%.
Kết quả trên là nhờ vào việc vừa dạy nghề vừa tạo việc làm để xóa đói giảm nghèo, là một trong những nhiệm vụ mà xã rất quan tâm. Đan lát là nghề truyền thống của bà con Khmer trong xã, được sự quan tâm của các cấp dạy nghề, nên đang từng bước được phục hồi.
Đáng chú ý, bên cạnh việc làm “sống dậy” nghề truyền thống, xã Lộc Khánh còn phát triển các tổ hợp tác, HTX để liên doanh, liên kết thành chuỗi, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương.
Hiện nay, toàn xã Lộc Khánh có 2 tổ hợp tác, 1 HTX nông nghiệp chất lượng cao Lộc Khánh và 1 HTX đang làm hồ sơ, là điểm tựa cho đồng bào thiểu số nâng cao đời sống, phát huy các nghề truyền thống.
Cũng có những thành công tích cực trong việc phục hưng làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn là huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo thống kê, Bố Trạch hiện có 7 làng nghề, như làng Ba Đề (xã Bắc Trạch) với nghề sản xuất nón lá, làng Lý Nhân Nam (xã Nhân Trạch) với nghề chế biến hải sản, làng Quyết Thắng (xã Thanh Trạch) với nghề sản xuất hương, làng Quy Đức (xã Đức Trạch) với nghề chế biến hải sản...
Để có được những bước tiến trong công tác phục hưng các làng nghề, thời gian qua, huyện đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực để người dân tận dụng được các lợi thế, tiềm năng, khôi phục các nghề truyền thống, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, phù hợp với xu thế phát triển. Nhờ đó, một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn và phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình.
Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa, được thị trường đón nhận, như mây tre đan, nón lá, hương, hải sản…, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trong những lúc nông nhàn, qua đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Từ những điển hình thực tế ở trên cho thấy để công tác đào tạo nghề nông thôn phát huy hiệu quả, trong đó có phục hưng các làng nghề truyền thống, các địa phương cần chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng làng nghề vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với thủ tục đơn giản, thời hạn và lãi suất vay phù hợp đặc điểm sản xuất ngành nghề.
Quang Thắng