Trước đây, gia đình ông Huỳnh Văn Quốc (khóm 9 Thới Bình, phường Bình Thới, Tp.Cà Mau) có 6.000m2 đất vườn nhưng chịu tác động của hạn mặn nên không thể trồng lúa.
Thay đổi cách sản xuất sau học nghề
Sau khi được học nghề từ các chương trình đào tạo lao động nông thôn, ông Quốc đã đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa màu. Kết quả, vườn rau của gia đình ông cho năng suất hiệu quả cao gấp 10 lần trước đây.
Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Cà Mau. |
Cùng với cải tạo đất, lắp hệ thống tưới nước tự động, ông đã đầu tư trồng các loại hoa màu như cà phổi, cà chua, đậu đũa, dưa leo, cải xanh, xà lách. Từ mô hình này, bình quân mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ở Cà Mau, những hộ gia đình được đào tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời chuyển đổi cây canh tác và thành công như gia đình ông Quốc không phải là hiếm. Do đặc thù là địa phương có diện tích mặt nước lớn, hạn mặn thường xuyên xảy ra, do vậy, việc dạy nghề ở Cà Mau cũng được địa phương căn cứ vào điều kiện này.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, trong 8 năm từ 2010 - 2018, có hơn 67.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956).Trong đó, số người học xong có việc làm đạt hơn 95%. Đặc biệt, có gần 7.000 lao động sau học nghề nông nghiệp đã có việc làm vươn lên thoát nghèo.
Riêng năm 2019, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là hơn 4.000 người, trong đó có 182 lao động thuộc diện ưu tiên, với tổng kinh phí thực hiện 5,92 tỷ đồng. Đặc biệt, có 28 lao động đã thành lập được HTX, các HTX có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bà con nông dân thích ứng với hạn mặn.
Ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dân Phát (Cà Mau), chia sẻ, lúc đầu vận động người dân tham gia sản xuất theo mô hình HTX rất khó khăn, nhưng hiện nay nhiều hộ bắt đầu chủ động xin vào.
"Năm 2019, tình hình chung là thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng các thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chọn giống lúa phù hợp nên một số hộ dù có thiệt hại nhưng không đáng kể, còn lại đều hiệu quả”, ông Cung nói.
Giúp tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả
Theo ông Châu Công Bằng, thành công lớn nhất của tỉnh Cà Mau là đã chuyển đổi việc đào tạo dạy nghề nông nghiệp đơn thuần sang dạy nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này có tác dụng rất lớn trong bối cảnh nhiều năm trở lại đây tình trạng hạn hán, ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp.
Đào tạo nghề giúp nông dân chuyển đổi sản xuất thích ứng với hạn mặn. |
Ông Bằng cho biết, nhờ các chương trình đào tạo lao động hiệu quả đã giúp nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh lên đạt 42 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh đã ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn gồm 75 nghề mang tính đặc thù của từng huyện, thành phố thuộc tỉnh, theo từng lĩnh vực.
Trong đó có lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, trong đó nổi bật có các nghề như: Nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nuôi cá sặc rằn; tổ chức du lịch sinh thái, tổ chức du lịch cộng đồng…
Thực tế sau học nghề, nhiều lao động đã nắm bắt kỹ thuật canh tác mới, áp dụng vào sản xuất hạn chế tác động của thời tiết, tăng năng suất, giá trị chuỗi sản phẩm. Quan trọng hơn là địa phương cải tạo chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Thy Lê