Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 25.000 lao động ở nông thôn mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 42%.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả ra đời
Hợp tác xã trồng nấm Minh Anh, phường Xuất Hóa, Tp. Bắc Kạn được thành lập từ năm 2011, lúc đầu những thành viên của HTX còn rất bỡ ngỡ với quy trình sản xuất nấm.
Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia lớp tập huấn, đào tạo cách trồng và chăm sóc nấm, đến nay các thành viên HTX đã trở thành những người trồng nấm chuyên nghiệp. Nhiều loại nấm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường. Doanh thu ngày một tăng lên, đời sống của các thành viên nhờ đó cũng được cải thiện hơn so với trước đây.
Lao động được đào tạo nghề sản xuất tinh bột nghệ. |
Bà Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh cho biết, từ năm 2013, bà đã gặp lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ để trình bày những khó khăn của HTX và đề xuất giúp đỡ về kỹ thuật trồng nấm có giá trị kinh tế cao. Sau đó, Sở đã cử cán bộ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh hướng dẫn tận tình về quy trình kỹ thuật trồng 6 loại nấm có giá trị cao gồm: Nấm chân dài, nấm đùi gà, nấm hương, nấm kim châm, nấm ngọc châm, nấm trân châu.
Năm 2014, HTX Minh Anh được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh chọn làm mô hình vệ tinh của Trung tâm. Bà Biệt được Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và một số cơ sở khác trên địa bàn tỉnh mời tham gia truyền đạt kỹ thuật trồng nấm ăn sạch tại các lớp học ngắn ngày cho chị em phụ nữ trong tỉnh.
HTX trồng nấm Minh Anh là một trong nhiều mô hình HTX hiệu quả đã ra đời từ các chương trình đào tạo nghề của tỉnh Bắc Bạn. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Nghề dân tộc nội trú theo 3 cấp: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề theo yêu cầu, nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo.
Trường biên soạn giáo trình, chọn ngành nghề theo yêu cầu thực tế, nhu cầu học viên với 27 ngành nghề. Trung bình mỗi năm, trường đào tạo 500 học viên, hầu hết số học viên chủ yếu ở vùng nông thôn, người dân tộc thiểu số và đều có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện lồng ghép công tác đào tạo nghề với các tổ chức chính trị - xã hội. Tiêu biểu là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Ðề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” và Ðề án 1956 “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, phối hợp dạy nghề theo Chương trình 135 và chương trình khác.
Từ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã ra đời như: HTX miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì; HTX 20-10 sản xuất bún, phở khô ở xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.
Các chương trình đào tạo nghề thiết thực
Bắc Kạn là tỉnh có số lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tới 75%. Ðể người dân có sinh kế bền vững, tỉnh đang tập trung nguồn lực, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Các chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thiết thực. |
Đơn cử như chợ Đồn là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả và các loại cây rau màu. Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất dựa trên kinh nghiệm chứ chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, huyện Chợ Đồn đã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động ở vùng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở được hơn 90 lớp với gần 2.500 học viên tham gia. Nội dung đào tạo gắn với nhu cầu của người dân địa phương như: Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rau...
Trước khi triển khai đào tạo nghề, huyện đã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động. Qua tuyên truyền, các phương án, ưu điểm của đào tạo nghề đã được người dân địa phương ủng hộ cao.
Để thay đổi tình trạng đào tạo nghề theo những gì các cơ sở đào tạo có, Sở LĐ-TB&XH đã điều tra, khảo sát từ nhu cầu học nghề của người lao động đến năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh để xây dựng đề án dạy nghề sát thực tế.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 25.000 lao động ở nông thôn mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 42%. Chính lực lượng lao động đã qua đào tạo này đã và đang góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Thy Lê