Được thành lập năm 2018, HTX Chăn nuôi Mường Mùn (bản Lúm, Mường Mùn, Tuần Giáo, Điện Biên) hiện có 10 thành viên tham gia các ngành nghề sản xuất kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả, rau sạch và trồng rừng... trên tổng diện tích canh tác 8ha.
Nông dân được dạy nghề khi vào HTX
Ðiều đặc biệt ở HTX này là các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh.
Nông dân tham gia vào các HTX được hỗ trợ dạy nghề |
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX Chăn nuôi Mường Mùn, cho biết: "Dù trước đó ai cũng làm nghề liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích, động viên họ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do địa phương tổ chức".
Có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX.
Đến nay, sản phẩm gà chân đen của HTX Chăn nuôi Mường Mùn không chỉ được người dân ở Tuần Giáo đón nhận mà còn vươn ra các huyện lân cận, sang tỉnh Lai Châu.
Nhờ được đào tạo nghề bài bản, các thành viên HTX đã họp bàn phân kỳ chăn nuôi gia cầm, gia súc để tránh tình trạng bán hàng cùng thời điểm, cung vượt cầu.
“Tiếp sức” cho HTX chăn nuôi Mường Mùn, cuối năm 2019, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sản xuất, như: máy băm cỏ, máy nghiền, máy ép cám, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Sự hỗ trợ thiết thực này cùng những nỗ lực của các thành viên HTX sau học nghề sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi, trồng trọt nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động ở bản vùng cao của tỉnh Điện Biên.
Tương tự cách làm như Điện Biên, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", tỉnh Thanh Hóa cho biết các thành viên HTX, trang trại tham gia liên kết sản xuất chuỗi giá trị nông sản, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất sẽ được đào tạo nghề miễn phí.
10 triệu lao động nông thôn được học nghề
Năm 2019, các sở, ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức được 24 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 960 lao động nông thôn. Các nghề nông nghiệp được đào tạo chủ yếu là: chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật, trồng và chăm sóc rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP...
Liên minh HTX Việt Nam bàn giao thiết bị hỗ trợ cho HTX Chăn nuôi Mường Mùn. |
Sau khi được tiếp thu kiến thức, hầu hết các lao động đều áp dụng kiến thức vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Thống kê từ Sở NN&PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 630 HTX nông nghiệp với 71.040 thành viên, trong đó số lao động làm việc thường xuyên là 23.680 người.
Tổng kết Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), cho biết 10 năm qua đã có gần 10 triệu người được học nghề, trong đó có 5,6 triệu người được đào tạo trình độ sơ cấp, đạt 85% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo chung cả nước từ 28% năm 2009 tăng lên đạt gần 60% vào thời điểm hiện nay.
Tất cả các địa phương đều hoàn thành và vượt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo (một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nông thôn mới) từ 15 - 20%, đặc biệt các vùng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, mức vượt từ 30 - 40% so với tiêu chí đặt ra.
Tuy vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên cho rằng cần phải xác định hướng đi đúng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xác định được hướng đi đúng sẽ huy động được nguồn lực từ xã hội.
Đặc biệt, một hướng đi cần được nhân rộng là đào tạo nghề nông thôn gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển HTX kiểu mới. "Nhưng vấn đề là xác định nghề thế nào, nếu làm lệch, mất chữ tín thì rất khó thuyết phục bà con nông dân. Nếu xác định đúng thì sẽ huy động được các nguồn lực khác, doanh nghiệp và người dân sẽ cùng tham gia đào tạo", đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên nhấn mạnh.
Thy Lê