Người dân xã Hát Lót đã từng trồng bưởi da xanh để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, bưởi da xanh là cây ăn quả khó tính, để cây ra hoa, đậu quả, người trồng phải tính toán kỹ từ khâu trồng, bón phân, tưới nước đến ánh sáng.
Dạy nghề trên thế mạnh địa phương
Để khắc phục những khó khăn này, người dân Mai Sơn nói chung, các HTX nói riêng đã chủ động tham gia các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất an toàn… Nhờ đó, những vườn bưởi da xanh luôn sai trĩu quả, mẫu mã đẹp và chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc HTX Ngọc Lan (xã Hát Lót), cho biết: "Chúng tôi đã tham gia khóa trồng cây ăn quả, trong đó có trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP do huyện tổ chức để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Chỉ sau 2 năm, cây bưởi đơm hoa kết trái, cho chất lượng tốt và được thị trường đón nhận".
Hiện nay, HTX Ngọc Lan có gần 20 ha bưởi da xanh được trồng theo quy trình VietGAP, tập trung chủ yếu ở bản Noong Xôm và bản Nà Càng. Với mục tiêu phát triển lâu dài loại cây ăn quả này trên địa bàn, các thành viên HTX tập trung xây dựng mô hình trồng bưởi theo các tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho các loại phân bón hóa học. Việc này giúp chất lượng đất được cải tạo tốt hơn, đồng thời bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng.
Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, các thành viên HTX Ngọc Lan đã "chinh phục" được giống bưởi da xanh trên đất dốc (Ảnh: TL) |
Không chỉ phát triển mô hình sản xuất, các thành viên HTX Ngọc Lan còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, cách chăm bón cây ăn quả cho bà con nông dân trong thôn. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã nâng cao được thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Cũng giống như HTX Ngọc Lan, các thành viên HTX Sinh thái Nà Sản (xã Hát Lót) từng gặp khó khăn vì sản xuất cây ăn quả theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, thông qua các khóa đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp do huyện tổ chức, các thành viên HTX đã nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo chuỗi, biết cách liên kết với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch để tăng hiệu quả.
Hiện, HTX có quy mô sản xuất hơn 15 ha, trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: cam đường Canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi Diễn. Doanh thu trung bình của HTX từ sản xuất cây ăn quả đạt 5 - 6 tỷ đồng, giúp mỗi hộ thành viên thu về 230 - 250 triệu đồng/năm.
HTX Ngọc Lan và HTX Nà Sản là 2 trong số những HTX được hưởng lợi từ chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Đó cũng là thành quả của việc xây dựng chiến lược dạy nghề dựa trên thế mạnh kinh tế chủ lực của địa phương. Nhờ làm tốt công tác này mà thời gian qua, huyện Mai Sơn đã quy hoạch được những vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa.
Theo ngành nông nghiệp huyện, tính đến cuối năm 2019, diện tích cây ăn quả trên địa bàn là 7.634 ha. Trong đó gồm các loại cây chủ lực: 2.512 ha xoài, 2.237 ha nhãn, 439 ha cây có múi, 476 ha mận, 269 ha chanh leo, 945 ha sơn tra và 138 ha na dai.
Thúc đẩy phát triển vùng chuyên canh
Toàn huyện Mai Sơn có 31.0000 hộ dân thì hầu hết các hộ đều phát triển trồng cây ăn quả và có tới 70% lao động từng được tập huấn kỹ thuật hoặc được dạy nghề. Nhờ trồng cây ăn quả, đời sống bà con khá giả lên trông thấy, thu nhập nhiều hộ trồng cây ăn quả không dưới 200 triệu đồng/hộ, nhiều hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Để phát triển trồng cây ăn quả theo thế mạnh của từng địa phương, trung bình mỗi năm, huyện kết hợp với nhiều đơn vị tổ chức 15 - 20 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, trong đó 90% tổng số lớp là dạy nghề trồng cây ăn quả theo chuỗi.
Diện tích nhãn của HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: TL) |
Các mô hình dạy nghề nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, VietGAP được nhiều nông dân lựa chọn, đăng ký theo học, tiếp đến là các lớp về chăn nuôi thú y. 100% các lớp dạy nghề đều được xây dựng dựa trên nhu cầu người học và thế mạnh của địa phương.
Từ đó, nhiều HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả như: HTX Mé Lếch (xã Cò Nòi), HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất (xã Cò Nòi), HTX nông nghiệp Bảo Khánh (xã Cò Nòi), HTX Đoàn Kết (xã Chiềng Mung)…
Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, UBND huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới vào dạy nghề cho bà con nhằm phát triển tiếp những thế mạnh của địa phương, từ đó tạo điều kiện để phát triển các HTX, mở rộng vùng chuyên canh về cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hóa.
Thay vì dạy kỹ thuật đơn thuần, việc đào tạo nông dân cách sản xuất theo chuỗi, kết nối các nguồn lực từ kinh tế, vốn, kỹ thuật, tới thị trường, khách hàng, đầu mối bao tiêu... để tạo ra những sản phẩm chất lượng mà huyện Mai Sơn đang triển khai không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu đến các thị trường quốc tế.
Như Yến