Theo ghi nhận của phóng viên VnBusiness, tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ người dân đã có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô trên một số tuyến đường trong xã.
Đến thời điểm hiện tại, nước lũ đã rút, tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực tại đây nước vẫn chưa rút hết.
Thiếu nước sạch, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh là những lo ngại lớn nhất của người dân. "Đồ đạc trong nhà hư hỏng, sức khỏe bị ảnh hưởng do sống tạm bợ lâu ngày, nhiều hộ gia đình phải đi nhận trợ cấp từ các tổ chức thiện nguyện", bà Phùng Thị Giang (xóm Trại, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) lo ngại.
Hầu hết diện tích canh tác nông nghiêp, chăn nuôi tại xã Nam Phương Tiến vẫn đang ngập chìm sâu trong nước. Phương tiện đi lại, vận chuyển đồ đạc của người dân ở các khu vực này chủ yếu bằng thuyền.
Một số hộ chăn nuôi thủy sản quy mô nhỏ đã thực hiện quây lưới xung quanh khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do vật nuôi thoát ra ngoài.
Mùi hôi thối của rác thải, xác chết động vật mang theo những nguy cơ về dịch bệnh, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống nhân dân.
Theo ông Phùng Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX NN Nam Phương Tiến, trận ngập lụt năm nay do nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê khiến nhiều hộ dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất trắng.
Sông Bùi được biết đến là vùng thoát lũ của Hà Nội, trong đó bên hữu sông Bùi là vùng chứa nước, vùng phân lũ. Trong 15 năm trở lại đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017 và đợt ngập kéo dài hồi cuối tháng 7/2018.
Thống kê của HTX NN Nam Phương Tiến, đã có hơn 200ha diện tích cấy lúa và cây hoa màu bị thiệt hại, 135ha diện tích chăn nuôi thủy sản đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn, trên 20 nghìn gia cầm, vật nuôi bị cuốn trôi theo lũ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trước tình trạng như hiện nay, rất cần sự quan tâm, chung tay giúp sức từ các cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền để bà con nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất sau khi nước rút.
Phạm Hòa
Rốn lũ
Sông Bùi tràn đê
Tin liên quan
Đắt hàng như tôm tươi, nhà vườn lan hồ điệp căng sức vào vụ Tết 0
Cận Tết, làng cổ Cự Đà 'bừng lửa' với miến dong 400 năm tuổi 0
Làng hoa Xuân Quan rộn ràng đón Tết 0
Hồi sinh sắc xuân cho vườn đào, vườn quất sau bão lũ 0
Khám phá nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam 0
70 năm tiếp quản Thủ đô, những ‘nhân chứng lịch sử’ còn mãi với thời gian 0