Cùng với nhiều địa phương khác, do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước sông Hồng dâng cao đã khiến phần lớn diện tích trồng đào Nhật Tân và quất Tứ Liên (Tây Hồ) bị nhấn chìm trong nước.
Theo ghi nhận của VnBusiness sáng ngày 17/9 nước lũ rút, phần lớn cánh đồng đào, quất nơi đây đang lâm vào tình cảnh héo lá, chết dần chết mòn vì bị ngâm nhiều ngày trong nước.
Gạt đi những giọt nước mắt, bà Công Thị Chinh, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết. “Phải mất 4-5 năm kỳ công chăm sóc mới có được những gốc đào như thế này, bao nhiêu công sức tiền của đổ vào, giờ thối gốc hết, chẳng biết phải làm như thế nào nữa”.
Theo quan sát, phần lớn cây đào của bà con khu vực xung quanh chân cầu Nhật Tân đều chết vì nước lũ.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là vào cao điểm phục vụ Tết, nhiều người tính đến việc tìm kiếm một số chủng loại cây ngắn ngày để thay thế tạm thời nhằm kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết.
Một số cây đào còn xanh ở phần ngọn, người dân sẽ áp dụng một số phương pháp kỹ thuật nhằm hy vọng có thể cứu vãn, tuy nhiên đây là việc rất khó, bởi gốc đào đã úng nước, nắng lên có thể sẽ bị chết ngay.
Những ngày này đến vườn đào Nhật Tân hoặc quất Tứ Liên, thay vì người dân tất bật chăm bón cây chuẩn bị cho Tết, thì nay người dân phải tự tay chặt bỏ gốc đào, gốc quất để dọn dẹp vườn.
Việc dọn quất chết đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức, vì phần lớn quất được trồng trong chum hoặc chậu, rễ đã bám chắc, do đó công việc này gặp nhiều khó khăn hơn.
Tính đến sáng 16/9, nước sông Hồng tại khu vực Hà Nội đã giảm sâu so với trước đó. Bà con nông dân cho biết, nếu như đào bị ngâm khoảng 1-2 ngày may ra có thể cứu vãn được, nhưng do bị ngập sâu tới 4 ngày nên chỉ có thể vứt đi, kể cả gốc đào cũng không còn tác dụng.
Ước tính phải mất khoảng 4 năm để người dân trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên mới có thể ươm lại giống, tạo ra đào cành, đào thế, quất chum thay thế những cây đã chết.
Theo báo cáo của UBND phường Nhật Tân, mực nước dâng cao trên sông Hồng khiến toàn địa bàn có khoảng 25,5ha diện tích đất bãi bị ngập, trong đó có 12 ha khu vực bãi đá Sông Hồng; 8,5 ha khu vực đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất mục đích sản xuất nông nghiệp; 5 ha đất nông nghiệp của các hộ dân; đặc biệt có khoảng 20.000 cây hoa đào bị ngập nước.
Phạm Hòa
Đào Nhật Tân; Quất Tứ Liên
Tin liên quan
Hồi sinh sắc xuân cho vườn đào, vườn quất sau bão lũ 0
Khám phá nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam 0
70 năm tiếp quản Thủ đô, những ‘nhân chứng lịch sử’ còn mãi với thời gian 0
Sau bão số 3 gần một tháng, hàng trăm ha phật thủ thành... củi khô 0
Nông dân xót xa thu hoạch lúa sau lũ 0
Có gì bên trong Cung Thiếu nhi Hà Nội trị giá hơn 1.300 tỷ đồng 0