Tân Phúc là một xã thuần nông, cách trung tâm huyện khoảng 12km. Xã có diện tích tự nhiên 703,08 ha, toàn xã có 1.227 hộ, 4.810 nhân khẩu. Ngành nghề chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại.
Hỗ trợ liên kết sản xuất
Gần 10 năm trước, khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Tân Phúc mới đạt 4/19 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM. Những tiêu chí còn lại vẫn ở mức thấp, đa phần mới đạt khoảng từ 30 - 50% yêu cầu.
HTX dịch vụ nông nghiệp xã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa. |
Trước thực trạng đó, xã Tân Phúc xác định con đường để địa phương đi lên là tập trung tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách xây dựng chuỗi giá trị, lấy mô hình liên kết sản xuất làm đòn bẩy xây dựng các tiêu chí NTM.
Theo đó, xã "kích cầu" 2 triệu đồng/ha cho mỗi tập thể, cá nhân tạo được mô hình liên kết sản xuất. Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Tân Phúc đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho nhân dân trong xã. Những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đã trở thành động lực để các thôn, các tầng lớp nhân dân trong xã hào hứng chung tay xây dựng NTM.
Hiện, địa phương đã chuyển đổi thành công 31ha lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, mô hình cá – lúa và một số cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. UBND xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp xã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.
Những năm gần đây, tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm của xã đều đạt hơn 3.400 tấn. Hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng đã được đầu tư khang trang, bảo đảm thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ của xã cũng có những bước tiến đáng kể. Cấp ủy đảng và chính quyền đã tạo nhiều điều kiện và khuyến khích nhằm phát triển đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã kết nối, phối hợp tổ chức dạy nghề và thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc để phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu.
Diện mạo mới trên miền quê xứ Thanh
Đến nay, HTX đã thu hút 400 lao động tham gia sản xuất. Các lao động làm việc thường xuyên có thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng, các lao động nhận làm thời vụ cũng có thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng.
Đường liên thôn ở Tân Phúc. |
Toàn xã hiện có 139 hộ kinh doanh cá thể và dịch vụ, với nhiều nghề khác nhau: mộc, vận tải, xay xát, nhôm kính và thương mại dịch vụ. Trên địa bàn xã hiện có 4 công ty may mặc và sản xuất túi xách, 3 doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động.
Thống kê từ UBND xã Tân Phúc cho thấy, đến thời điểm hiện tại, xã đã huy động được tổng nguồn lực hơn 154,3 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình đã được xây dựng khang trang, phục vụ trở lại cho sự phát triển chung của toàn xã.
Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn, ngõ xóm trong xã đã được bê tông hoặc kiên cố hóa. Toàn bộ gần 1.300 hộ dân trên địa bàn xã không còn nhà dột nát, sử dụng điện ổn định, có nguồn nước sinh hoạt bảo đảm.
Đặc biệt, Tân Phúc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 45 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2015. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng NTM.
Công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn hơn 3%, đời sống đại bộ phận người dân đang có nhiều cải thiện.
Với phương châm phát huy dân chủ, lấy sức dân để lo cho dân, dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra, năm 2019, xã Tân Phúc đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Thy Lê