Vào những ngày tháng 9, tháng 10, Trạm Tấu hiện ra như một bức tranh thiên đường với những thửa ruộng bậc thang rực vàng trải dài trên sườn núi, tạo nên cảnh quan uốn lượn mê hồn tới tận chân trời. Hương lúa, mùi đất hòa quyện trong làn gió mùa thu, mang đến một vẻ đẹp bình yên mà không nơi nào có được. Trong khung cảnh ấy, bóng dáng những thiếu nữ Thái trong trang phục truyền thống, nhẹ nhàng gặt lúa, như hòa mình vào nhịp điệu dân vũ trên sóng vàng no ấm.
Tạo dựng giá trị nông sản
Chị Phạm Thị Hà, thành viên HTX Hưng Thùy cho biết khí hậu và thổ nhưỡng địa phương rất lý tưởng cho việc trồng loại lúa nếp đặc sản. Chính vì thế, ngay từ khi thành lập, ban lãnh đạo HTX đã luôn nỗ lực giữ gìn và phát triển những giá trị độc đáo của nông sản nơi đây.
Trước kia, người dân chủ yếu canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, cấy tay, dày cây và cấy sâu; có gia đình còn không tuân theo lịch thời vụ. Thậm chí, vì sợ tốn diện tích, bà con không "đánh võng" xung quanh ruộng, dẫn đến sản lượng thu hoạch thấp và chất lượng lúa không đảm bảo.
Nhìn thấy tiềm năng lớn, HTX Hưng Thùy đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy cấy, máy gặt hiện đại, hỗ trợ bà con trồng lúa theo kỹ thuật mới. Sự cải tiến này khiến nhiều người ngạc nhiên khi nhận thấy lúa cấy bằng máy phát triển tốt hơn, hạt chắc hơn nhờ cấy đúng độ sâu, mật độ vừa phải, giúp cây lúa có đủ dinh dưỡng để phát triển tối ưu. Sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong quy trình sản xuất đã thực sự nâng tầm giá trị nông sản và mang lại lợi ích bền vững cho người nông dân vùng cao.
Ngoài ra, HTX còn đưa ra các quy định nghiêm ngặt cho thành viên, hộ liên kết thực hiện sản xuất lúa nếp theo tiêu chuẩn hữu cơ, thực hiện tốt "3 cùng": cùng kinh doanh, cùng sản xuất, cùng phát triển.
“Không dùng thuốc trừ sâu, không đưa các loại hóa chất vào ruộng là chuyện không quá khó với vùng cao khi lâu nay canh tác lúa rẫy gần như "phó mặc cho trời"”, Giám đốc HTX Hoàng Văn Hưng chia sẻ.
Người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa theo hướng an toàn. Đến nay, những vùng lúa nếp hàng hóa đã được hình thành với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm có nhãn mác, logo, được khách hàng trên cả nước đón nhận tích cực.
Nhờ có hướng đi và cách làm đúng, trung bình mỗi năm, HTX Hưng Thùy thu hoạch vài trăm tấn lúa, thu hoạch đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó với giá cả ổn định, không bị tồn đọng, giúp đời sống bà con vùng cao phần nào cải thiện, tạo động lực sản xuất bền vững.
Hiện, HTX đang tích cực đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm gạo đặc sản: gạo lứt Séng Cù, gạo lứt nương đỏ, gạo nếp nương Tây Bắc, và tham gia chương trình OCOP để tạo thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, được cấp nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc: khoai sọ nương Trạm Tấu, nếp Lẩu cáy Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu và nếp cẩm Trạm Tấu.
Quảng bá văn hóa, phát triển du lịch vùng cao
Trên đường vào khu du lịch, Giám đốc Hoàng Văn Hưng bộc bạch, vào mùa này, du khách chỉ cần chạm tới vùng đất Trạm Tấu đã thấy sự hiện diện của ruộng bậc thang. Tiết trời mùa thu mát mẻ hòa vào hương thơm của lúa khiến cho con người như ngất ngây trong không gian tràn ngập sức sống. Chỉ cần dừng chân ở một điểm nào đó trên cung đường Trạm Tấu, du khách đều có thể thả hồn mình vào sóng lúa bậc thang tuyệt đẹp để lắng nghe những thanh âm trong trẻo của núi rừng, của ruộng đồng.
Gạo được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo chất lượng trước khi tới tay người tiêu dùng. |
Để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng, ngoài việc đầy tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng, HTX còn tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa, giao lưu ẩm thực kết hợp với trải nghiệm tham quan khu sơ chế, đóng gói rau, củ, quả tại xưởng. Mỗi năm, HTX thu hút hàng trăm đoàn sinh viên của các trường đại học, du khách trong và ngoài nước, mang lại một nguồn thu lớn cho các thành viên HTX cũng như bà con bản địa.
Đang trò chuyện với VnBusiness, chị Phạm Thị Hà nhận cuộc gọi báo sẽ có đoàn khách Trung Quốc đến, sử dụng các dịch vụ trong gói du lịch cộng đồng bao gồm hoạt động trải nghiệm… Chị Hà phấn khởi nói: "Được làm du lịch, có thêm thu nhập, nhất là được trở về với thiên nhiên theo đúng nghĩa. Được sống lại với những không gian văn hóa của dân tộc mình...".
“Từ khi có HTX Hưng Thùy hỗ trợ, người dân địa phương đã có hướng kinh doanh bài bản và chuyên nghiệp hơn. Nói là làm du lịch, phục vụ du khách, nhưng thật ra là “thực hành” lối sống của dân tộc mình; làm việc, sinh hoạt văn hóa và thăm thú thiên nhiên theo đúng nếp sinh hoạt từ xưa nay. Chỉ khác là có trách nhiệm, theo hướng tích cực trong bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, không gian văn hóa, phát huy nghề truyền thống. Tất cả đều theo hướng cuộc sống xanh, du lịch xanh, bền vững”, chị Hà kể.
Giám đốc Hoàng Văn Hưng cho biết, trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn. Các dịch vụ của HTX phát triển, bảo đảm việc làm cho các thành viên, góp phần phát triển sản xuất cho bà con địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực nêu trên, việc phát triển các mô hình HTX du lịch cộng đồng, sinh thái trong thời gian qua vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là hoạt động còn nhỏ, lẻ; trình độ chuyên môn về du lịch của cán bộ quản lý HTX còn giới hạn; chưa mở rộng liên kết giữa công ty du lịch với HTX. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp cũng như du lịch của HTX thiếu đa dạng và hấp dẫn, sức cạnh tranh chưa cao.
Tiếp cận đa thị trường
Rõ ràng, nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ canh tác tự phát, manh mún, nay đã trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, giúp hình thành sản xuất hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững cho HTX.
Nông dân tập trung thu hoạch lúa tại vùng trồng. |
Nhận thấy thị trường tiêu thụ không chỉ gói gọn trong địa phương, HTX Hưng Thùy đã chủ động tìm kiếm các kênh phân phối mới. Thay vì chỉ bán tại chợ địa phương, HTX đã tham gia vào các hội chợ nông sản lớn, triển lãm thương mại và mở rộng kênh bán hàng online. Việc này không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn tạo ra cơ hội tiếp cận khách hàng ở nhiều vùng miền trên cả nước.
"Chúng tôi đã xây dựng được một kênh bán hàng trên Tiktok với gần 7.000 lượt theo dõi, hằng ngày sẽ có những phiên livestream để giới thiệu và bán hàng. Nhìn chung, lượng khách online ở kênh này cũng ổn định", chị Hà kể.
Đặc biệt, HTX còn hợp tác với các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch để đưa sản phẩm lên kệ hàng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm nông sản sạch, an toàn và đảm bảo chất lượng.
Không dừng lại ở thị trường nội địa, HTX Hưng Thùy còn hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Với sự hỗ trợ từ các tổ chức và cơ quan nhà nước, HTX đang trong quá trình xây dựng các chứng nhận chất lượng quốc tế cho sản phẩm gạo, măng và khoai, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính.
Dù đã tạo nên những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Trạm Tấu, nhưng qua đánh giá, hoạt động của HTX kinh doanh, sản xuất dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy cũng gặp nhiều khó khăn, khiến quy mô sản xuất mới chỉ dừng lại ở mức sơ chế, bảo quản ban đầu, giá trị chưa cao.
"Các sản phẩm của HTX đều phụ thuộc vào mùa vụ như: khoai sọ thì khoảng 3 tháng, măng ớt thì chỉ có 1 tháng. Do vậy, muốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh quanh năm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, HTX phải đầu tư kho đông lạnh và hệ thống bảo quản. Tuy nhiên, việc tiếp cận đồng vốn đối với HTX hiện gặp nhiều khó khăn, đất thuê của Nhà nước thì không thể thế chấp. HTX mong rằng thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp để tạo tiền đề phát triển bền vững”, Giám đốc Hoàng Văn Hưng bày tỏ.
Lê Hồng