Sau hơn 7 năm triển khai xây dựng chương trình, đến nay huyện Nghĩa Hành đã có 11/11 xã "về đích" nông thôn mới (NTM), được công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh.
Khởi sắc diện mạo nông thôn
Về Nghĩa Hành hôm nay, hầu hết các tuyến đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp; nhà cửa xây dựng khang trang, kinh tế phát triển, đời sống người dân dần được nâng cao.
Nông thôn Nghĩa Hành thay đổi diện mạo nhờ xây dựng NTM (Ảnh: TL) |
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nghĩa Hành đã huy động được gần 420 tỷ đồng, trong đó có trên 19,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Từ nguồn vốn này, huyện đã mở rộng, nâng cấp 115,5 km đường thôn, xã; xây dựng 79 đường làng, ngõ xóm có điện thắp sáng.
Không chỉ vậy, nhân dân đã tự nguyện hiến gần 12ha đất làm đường giao thông; tháo dỡ hơn 2.000m tường rào, cổng ngõ và hàng ngàn cây xanh, hoa màu các loại. Đồng thời, người dân còn đóng góp gần 2.000 ngày công lao động để xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ổn định.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng/năm (tăng 14,45 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%.
Thời gian tới, với mục tiêu nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM, huyện Nghĩa Hành hướng tới xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Theo đó, huyện sẽ xây dựng các thôn ở các xã đạt chuẩn thành các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu có kinh tế phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp; môi trường sinh thái trong lành; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhân dân hài lòng và đồng tình ủng hộ.
Sức lan tỏa của HTX nông nghiệp
Có thể nói, những thành tựu trên chính là kết quả của việc phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, đặc biệt là những đóng góp không nhỏ của các HTX nông nghiệp (HTXNN).
Nông dân Nghĩa Hành đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng (Ảnh: TL) |
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện nay có 15 HTXNN và 1 HTX chăn nuôi với hơn 8.000 thành viên. Tổng doanh thu hàng năm của các HTX khoảng 15,55 tỷ đồng; 5 HTX xếp loại khá, 6 HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng; có 7 HTX đã liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Tất cả các HTX đều tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Điển hình về hoạt động hiệu quả theo hướng hợp tác liên kết là HTXNN Hành Dũng (xã Hành Nhân). Theo đó, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín để sản xuất lúa gạo hữu cơ với quy mô 30ha.
Đáng chú ý, hiện nay, trên địa bàn huyên có HTXNN Hành Phước đã tham gia thực hiện dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng chuỗi liên kết bền vững sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích thực hiện là 50ha tại xã Hành Phước.
Thực tế cho thấy, việc sản xuất của người nông dân gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra ổn định nên dễ bị tư thương ép giá, nhiều khi không nắm bắt được nhu cầu thị trường nên tập trung sản xuất một loại sản phẩm nào đó dẫn đến cung vượt cầu và rớt giá.
Do vậy, vai trò của HTX trong điều kiện này là rất quan trọng. HTX làm tốt dịch vụ cho người dân như định hướng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cung ứng các dịch vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…là tổ chức trung gian tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân.
Hiện nay, có một số mô hình HTXNN hoạt động theo kiểu mới như HTXNN Hành Nhân, Hành Dũng, Xuân Phú hay HTX chăn nuôi Tân Hòa Phú đã cung cấp các dịch vụ cho thành viên đạt hiệu quả như tín dụng nội bộ, thủy lợi nội đồng, dịch vụ làm đất, máy gặt liên hợp, vật tư nông nghiệp, phân bón, liên kết sản xuất lúa giống.
Các mô hình HTX kiểu mới bước đầu đã phát huy hiệu quả chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế hợp tác ngày càng phát triển đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM của huyện Nghĩa Hành.
Ngọc Giang