Tận dụng tiềm năng đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, trên địa bàn xã Ea Kao hiện có hàng chục vườn cây ăn trái sạch, những rẫy cà phê tiêu chuẩn VietGAP… mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta cho những nông dân mạnh dạn đầu tư và sáng tạo trong sản xuất.
Bước chuyển của xã nông thôn mới
Cách đây hơn 5 năm, ngày 21/5/2015, TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức lễ công bố xã Ea Kao đạt chuẩn nông thôn mới theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ea Kao là xã đầu tiên được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Không tự mãn với thành tích đã đạt được, chính quyền xã Ea Kao xác định hành trình xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, hướng tới nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí hình thưc tổ chức sản xuất và giảm nghèo.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: TL) |
Chính vì vậy, giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế trên địa bàn xã tiếp tục tăng trưởng khá. Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu TP Buôn Ma Thuột giao. Trong 5 năm qua, xã đã đầu tư 20 công trình với kinh phí gần 50 tỷ đồng; nhựa hóa trên 153km đường nội thôn, buôn, ngõ xóm; 100% các trục đường chính nội buôn có điện chiếu sáng. Ngoài ra, xã đã đầu tư 112 mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp.
Đặc biệt, xã đã xóa được 190 hộ nghèo và 100 hộ cận nghèo, giới thiệu cho 2.000 lượt thanh niên đi làm việc trong và ngoài tỉnh, tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 500 thanh niên. Đến năm 2019, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 35,5 triệu đồng/năm.
Tại Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa được tổ chức, Đảng bộ xã Ea Kao đề ra một số chỉ tiêu: Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp; hằng năm thu ngân sách tăng trung bình từ 8 - 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; bảo đảm trên 90% lao động trong độ tuổi có việc làm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,3%, hộ cận nghèo dưới 0,5%; xây dựng xã Ea Kao đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhờ sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tại xã Ea Kao hiện đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất hiện đại mang lại hiệu quả cao. Điển hình như 10 nông hộ hợp tác với Công ty TNHH Một thành viên MINUDO-Care sản xuất trên diện tích 15,5ha cà phê sạch, sản lượng hằng năm đạt 45 tấn nhân. Hay như mô hình trồng cây dổi lấy hạt của hơn 30 hộ đang có sức lan tỏa mạnh bởi giá trị kinh tế cao, giá bán dao động từ 1 - 1,4 triệu đồng/kg hạt khô, một số hộ có thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm…
HTX tiên phong trong liên kết
Đặc biệt, HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk đang cho thấy tính hiệu quả cao trong việc tập hợp những hộ nông dân trên địa bàn liên kết sản xuất theo hướng hiện đại, chủ động được cả đầu vào và đầu ra, từ đó tăng thêm thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo, một số gia đình vươn lên khá giả.
Khu vực kinh tế hợp tác đóng góp quan trọng hoàn thành và nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Năm 2017, HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk chính thức được thành lập, hiện có tổng diện tích liên kết sản xuất thuần khoảng 18ha.
“Các thành viên tham gia HTX đều có sẵn diện tích bơ đang cho thu hoạch nên lượng nông sản mỗi năm đạt khoảng gần 200 tấn. Từ khi hoàn thành quy trình sản xuất sạch, đăng ký tem, mã truy xuất nguồn gốc, việc quảng bá sản phẩm đã có những kết quả rất khả quan”, Giám đốc Đặng Huy Hùng chia sẻ.
Đến nay, sản phẩm bơ của HTX được tiêu thụ tại nhiều thị trường như: Gia Lai, Kon Tum, Hưng Yên, TP.HCM…, trong đó 60% sản lượng bơ chính vụ được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với mô hình sản xuất hiện nay, 1ha bơ, các thành viên của HTX có thể thu về trên nửa tỷ đồng.
Ngay sau khi thành lập HTX, những người trẻ, năng động được giao nhiệm vụ điều hành, khai thác thị trường, những người có kinh nghiệm trong sản xuất được giao nhiệm vụ nắm bắt và củng cố kỹ thuật canh tác cho các thành viên còn lại. Vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên.
Ông Thành, một hộ dân liên kết sản xuất với HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng xen bơ trong vườn cà phê và xem là cây phụ thu nên việc chăm sóc không được chú trọng, vì vậy cây cho bao nhiêu trái thì hái bấy nhiêu, trái cây không đồng đều nên giá trị thấp. Từ ngày tham gia vào liên kết, gia đình tôi chuyển sang cải tạo lại vườn, đầu tư một cách bài bản nên cây cho trái nhiều, trái đạt chất lượng và bán được giá cao. Hiện nay, trên 1ha bơ, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Theo Giám đốc Đặng Huy Hùng, các thành viên HTX đang sản xuất bơ theo quy trình VietGAP với các loại giống năng suất cao như acado, cuba, bazan…
“Trước đây, mùa vụ tập trung chủ yếu từ tháng 6 - 9 nên giá không cao. Bây giờ, mùa vụ thu hoạch đang được kéo dài nhờ vào sự áp dụng nhiều loại giống. Từ tháng 2 - 4, chúng tôi có bơ acado để thu hoạch, từ tháng 5 - 7 thì có bơ giống Cuba, còn lại cho thu hoạch từ tháng 6 - 9. Nhờ sự phân bổ diện tích phù hợp nên sản phẩm làm ra được dàn trải, dễ tiêu thụ, giá bán cũng cao hơn”, anh Hùng cho biết…
Để nâng cao giá trị cho nông sản, Giám đốc Đặng Huy Hùng cùng các thành viên HTX đang tập trung cải tạo vườn hiện có và mở rộng diện tích. Giống bơ mới bazan đã được HTX phát triển thành công trên 5ha và dự kiến cho thu hoạch trái vụ đạt khoảng 20 tấn và vào chính vụ có thể lên đến 150 - 200 tấn.
Nhờ phát triển tập trung và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hiện đại nên các giống bơ ở HTX cho năng suất cao, trung bình 15 - 18 tấn/ha/năm.
Đức Nguyễn