Hiện nay, nhiều huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, vùng sâu vùng xa, kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điển hình như Mường Nhé, Nậm Pồ (Điện Biên), Kỳ Sơn (Nghệ An), Đồng Văn (Hà Giang)…
Động lực từ "đầu tàu" HTX
HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, dù được thành lập chưa lâu, số lượng thành viên không nhiều song với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang tính vùng miền nên thu nhập bình quân của thành viên không ngừng tăng, hiện trung bình đạt từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên, HTX đã liên kết với 3 xã Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) để trồng bí xanh xuất bán đến thị trường Hà Nội.
Nhiều địa phương trên cả nước đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo |
Hiện nay, với diện tích 1,2ha bí (trồng 2 vụ/năm), HTX thu hoạch khoảng 150 tấn/năm. Giá bí xanh trung bình từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá cao từ 18 - 20 nghìn đồng/kg, tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX.
Bên cạnh đó, các sản phẩm trà của HTX cũng dã được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, đổi mới của HTX còn có sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền các cấp huyện Mường Nhé. Các HTX từng bước phát huy vai trò trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 17 HTX với tổng số gần 200 thành viên.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mang tính hàng hoá.
Nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, huyện chú trọng gặp gỡ, đối thoại về chính sách xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Huyện đã chỉ đạo 11/11 xã tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù sản xuất, mô hình nông nghiệp của từng địa phương, điều tra cung - cầu lao động. Từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển các HTX.
Huyện cũng khuyến khích các HTX tích cực đổi mới, xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chủ động đa dạng hóa đối tượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát huy thế mạnh địa phương
Hay như tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, địa phương luôn được coi là “lõi nghèo” Tây Bắc, Chương trình giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất từng vùng, từng xã, từng thôn bản và từng gia đình theo hướng đào tạo nghề, đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng.
Chị Sùng Thị Si, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A, xã Sà Phìn cho biết, hiện nay, HTX có 20 thành viên, đều là đồng bào dân tộc Mông.
Những ngày đầu HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A mới thành lập, chị Si nghĩ ngay đến những chị em không có việc làm, gia cảnh khó khăn trong xã. Chị đã cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà chị em phụ nữ trong xã Sà Phìn, tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định. Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng. Sau khóa học nghề ngắn hạn, nhiều chị em đã tự tin tham gia làm việc tại HTX, thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng.
Dưới sự điều hành của Giám đốc Sùng Thị Si, HTX ngày càng phát triển. Cùng sự nỗ lực, gắn kết của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều mặt hàng độc đáo với bản sắc riêng, có giá trị trên thị trường, mang lại cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn cho nhiều gia đình thành viên.
Các HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tạo thu nhập cho người dân. |
Đến nay, số thành viên của HTX và thành viên liên kết là 131, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. “Từ ngày có thu nhập từ công việc tại HTX, cuộc sống của các thành viên trở nên đầm ấm, hòa thuận, con cái được học hành đầy đủ”, chị Si cho hay.
Nỗ lực thoát nghèo ở vùng lõi
Dù có nhiều thành tựu, song thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo ở các vùng lõi nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.
Tại nhiều nơi, tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao; chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, một số địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, đồng thời có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả, như hỗ trợ cây, con giống, cứng hóa đường giao thông, đưa lưới điện về bản…
Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho hay, hiện nay, vùng lõi nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 57% số hộ nghèo của cả nước. Với rất nhiều nỗ lực, bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước chuyển biển tích cực, nhưng đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng “lõi nghèo”, vùng khó khăn nhất của cả nước.
Trước tình hình trên, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của người dân các vùng "lõi nghèo" trên toàn quốc, nhiều chủ trương mới đã được ban hành và triển khai nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, phát triển bền vững.
Có thể thấy, với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương, cùng với sự vào cuộc tập trung, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân thì đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng lõi nghèo có cơ hội từng bước thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Minh Thành